Giá thịt lợn leo thang: Doanh nghiệp, nhà cung cấp cảnh báo căng thẳng, cơ quan quản lý nói không

ANTD.VN - Giá thịt lợn đang leo thang từng ngày và hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, nguồn cung khó khăn thì lãnh đạo Cục Chăn nuôi vẫn một mực khẳng định, giá thịt lợn tăng là do thông tin không đúng và có thể thay thế thịt lợn bằng các loại thực phẩm khác như thịt bò, cá, hải sản nên không đáng ngại.

Thiếu thịt lợn cục bộ vào dịp cuối năm

Chiều muộn 18/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã họp khẩn với một số Sở NN&PTNT các địa phương và đại diện 12 tập đoàn chăn nuôi lớn trên cả nước bàn về giá thịt lợn và nguồn cung.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường e ngại, trong khi sản lượng thịt lợn đang bị giảm khoảng 8,8% do dịch tả châu Phi, cộng thêm từ ngay  tới Tết Nguyên đán và quý 1/2020 nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân tăng cao, nên nguy cơ giá thịt lợn sẽ còn tiếp tục leo thang và chắc chắn sẽ thiếu thịt lợn cục bộ.

“Nếu cứ đà tăng như hiện nay thì rất nguy hiểm, sẽ dẫn đến hệ lụy xấu là phá vỡ ngành chăn nuôi, rối loạn thị trường thịt lợn”- ông Cường cho hay.

Giá thịt lợn tăng mạnh đang khiến hàng triệu người tiêu dùng chao đảo

Thông tin về tình hình thị trường thịt lợn từ đầu tháng 11 đến nay, đại diện các địa phương đều cho biết, giá thịt lợn đang rất căng thẳng.

Đại diện Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, do dịch tả châu Phi, đàn lợn của toàn tỉnh giảm đến 28% so với cùng kỳ. Hiện nay, giá lợn hơi xuất chuồng tại Hưng Yên phổ biến ở mức 75.000 đồng/kg.

Còn tại Bắc Giang, ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, Bắc Giang cũng bị giảm 25% tổng đàn lợn do dịch tả châu Phi. Do giá thịt lợn trên địa bàn tăng mạnh, hiện giá xuất chuồng phổ biến ở mức 75.000-76.000 đồng/kg nên kéo theo giá gà tăng mạnh. Giá gà đồi Yên Thế loại ngon đã vượt mức 100.000 đồng/kg, loại bình thường cũng ở mức 70.000-80.000 đồng/kg, trong khi chỉ 2 tháng trước, giá gà này chỉ ở mức 50.000 đồng/kg.

Tại TP.HCM, một trong những thị trường tiêu thụ trọng điểm, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giá thịt lợn hơi trên địa bàn đang ở mức 70.000-72.000 đồng/kg, tuy nhiên, sức tiêu thụ của thị trường đang có xu hướng giảm 1.500 con/ngày. Theo đó, trước đây, TP.HCM tiêu thụ khoảng 9.000 con lợn/ngày thì hiện chỉ còn ở mức 7.500 con/ngày.

Theo ông Trung, để bình ổn được giá thịt lợn hiện nay, cần phải nắm được chính xác tổng đàn lợn thương phẩm hiện nay ra sao thì mới đánh giá được nguồn cung ra thị trường như thế nào, từ nay đến Tết thiếu thịt lợn nhiều hay ít.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công  ty CP Chăn nuôi CP thừa nhận, giá thịt lợn hiện tăng quá cao, chỉ tuần trước, doanh nghiệp này xuất chuồng giá lợn ở mức 65.000 đồng/kg thì tuần này đã xuất chuồng ra với giá 68.000 đồng/kg dù lượng xuất ra vẫn ổn định ở mức 16.000-17.000 con lợn/ngày, so với thời điểm trước khi có dịch tả châu Phi là tương đương.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabao Việt Nam Nguyễn Như So thông tin, giá thịt lợn hơi xuất chuồng của công ty cũng ở mức 68.000 đồng-69.000 đồng/kg, tương đương với CP. “Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về tình hình xuất chuồng cũng như giá cả. Chúng ta cần phải xem lại tổng đàn lợn thịt trên cả nước, hiện nay việc tăng giá thịt lợn mạnh trên thị trường phần nhiều do khâu lưu thông”- ông So cho hay, đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ có phương án bình ổn giá thịt lợn.

Cơ quan quản lý: Có thể thay bằng thực phẩm khác! 

 Trong khi các địa phương, và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều cho biết, giá thịt lợn đang tăng mạnh và đã ở mức cao thì báo cáo tại cuộc họp khẩn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với các sở, ngành và doanh nghiệp chăn nuôi lớn vào chiều 18/11 ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi vẫn một mức khẳng định, giá thịt lợn hơi phổ biến vẫn ở mức 66.500 đồng/kg, còn các mức giá cao hơn chỉ là phản ánh cục bộ do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề!

“Thịt lợn có thiếu không, tất nhiên là thiếu vì Việt Nam vừa trải qua đại dịch, nhưng không ở mức nghiêm trọng. Chúng ta vẫn có thể thay thế bằng các loại thực phẩm khác đang tăng trưởng mạnh như bò, gà, cá, hải sản”- ông Dương nói.

Theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi hiện nay là Bộ NN&PTNT cần nắm lại chính xác nguồn cung thịt lợn trong nước, cùng với đó là dự báo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm để có phương án. Còn như hiện nay, qua nhiều cuộc họp, nhiều giải pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra nhưng lại rất mù mờ về nguồn cung cũng như tổng nhu cầu thị trường thì các giải pháp can thiệp, bình ổn có khi lại phản tác dụng.

Cùng với đó là ngành Công Thương phải xắn tay vào việc, siết lại khâu lưu thông, không để các tiểu thương lợi dụng đẩy giá thịt lợn. Rõ ràng, quản lý Nhà nước trong vấn đề chăn nuôi- tiêu thụ cũng đang có vấn đề chứ không chỉ riêng thị trường có vấn đề.