Giá thép tăng 1,3 triệu đồng/tấn: Không nên… giật mình!

(ANTĐ) - Riêng trong tháng 7 vừa qua, giá thép trong nước đã tăng 3 lần sau khi giảm sâu trong quý II. Động thái tăng giá này ít nhiều gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng. Trao đổi với PV ANTĐ sáng 3-8, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giá thép lên xuống là do thị trường quyết định. Vì vậy, người tiêu dùng không nên “giật mình”.

Giá thép tăng 1,3 triệu đồng/tấn: Không nên… giật mình!

(ANTĐ) - Riêng trong tháng 7 vừa qua, giá thép trong nước đã tăng 3 lần sau khi giảm sâu trong quý II. Động thái tăng giá này ít nhiều gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng. Trao đổi với PV ANTĐ sáng 3-8, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giá thép lên xuống là do thị trường quyết định. Vì vậy, người tiêu dùng không nên “giật mình”.

Giá thép điều chỉnh theo quy luật cung- cầu của thị trường

Giá thép điều chỉnh theo quy luật cung- cầu của thị trường

“Giá thép tăng trở lại trong bối cảnh sức mua ở mức trung bình, thị trường bán lẻ tương đối trầm lắng khiến không ít người hoài nghi các doanh nghiệp đang cố tình đẩy giá lên cao”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Tôi cho rằng đây là việc bình thường và cần thiết. Từ tháng 4 đến 6, giá thép ở mức thấp, trung bình dưới 12 triệu đồng/tấn, thậm chí có thể coi đây là thời điểm giá thép xuống đến “đáy”. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều bán dưới 12,5 triệu đồng/tấn thép và chịu lỗ. Đơn vị nào tài chính mạnh thì giữ lưu kho, đơn vị nào tài chính kém thì buộc phải bán lỗ. Khi giá thép đã xuống “đáy” thì mức giá chỉ có thể tăng, chứ không thể thấp hơn được.

Mặt khác, trong tháng 7, lượng tiêu thụ ước đạt 460.000 tấn, tăng so với 3 tháng trước đó. Giá phôi thép các doanh nghiệp nhập khẩu cũng tăng từ 500-510 USD/tấn lên 540-570 USD/tấn. Theo đánh giá thì hiện tại nhiều kho phân phối thép đang rỗng, khi giá phôi lên, giá thép thành phẩm có xu hướng tăng thì họ đẩy mạnh mua vào. Hai điều kiện này của thị trường đã đủ để các doanh nghiệp tăng giá bán, để vừa bù lỗ thời gian trước, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Riêng Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) trong tháng 7 đã tăng giá thép 3 lần với tổng số tiền tăng thêm là 1,3 triệu đồng/tấn. Con số này có quá cao?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Để sản xuất 1 tấn thép thành phẩm, phôi thép chiếm 90% giá thành. Với tỷ giá hiện tại cộng thêm 7% thuế, cộng thêm 1,5 triệu đồng (mức trung bình) phí gia công 1 tấn thép, giá thành sẽ ở khoảng 12,4 triệu đồng/tấn. Doanh nghiệp đang bán thép với mức giá phổ biến nhất từ 12,5-12,9 triệu đồng/tấn. Vậy người tiêu dùng dễ dàng tính được doanh nghiệp đang lãi nhiều hay ít. Không thể bắt doanh nghiệp bán sản phẩm dưới giá thành mãi được, bán hòa cũng là lỗ rồi. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp có phí gia công cao hơn do công nghệ lạc hậu.

Giá cả do doanh nghiệp quyết định, nhưng lựa chọn tiêu dùng là ở người mua. Nếu họ tăng giá vô lý thì họ sẽ bị mất thị phần. Giá bán sản phẩm hoàn toàn do thị trường quyết định trên cơ sở cung-cầu. Tháng 6, có một doanh nghiệp thép lớn nhất định giữ mức giá bán thép ở mức cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp khác, kết quả là lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này giảm thê thảm, xuống còn 17.000 tấn/tháng. Sang tháng 7, buộc họ phải điều chỉnh lại giá theo thị trường và lượng tiêu thụ đã tăng đến 65.000 tấn/tháng. Trong kinh tế thị trường, không nên “giật mình” với những biến động như vậy.

Nhưng có ý kiến cho rằng, tăng giá sẽ làm giảm sức cạnh tranh của thép trong nước so với thép ngoại nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là khi dự báo lượng tiêu thụ thép trong tháng 8 có thể giảm so với tháng 7?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Hiệp hội Thép cũng dự báo lượng tiêu thụ thép tháng 8 sẽ giảm so với tháng 7 do bước vào mùa mưa bão, nhu cầu xây dựng giảm. Tuy nhiên, không vì thế mà việc tăng giá vào thời điểm này không thích hợp. Tôi cho rằng thép ngoại chưa cạnh tranh được với thép nội vì người Việt Nam đã biết lựa chọn các sản phẩm có chất lượng là hàng Việt Nam. Năm ngoái thép ngoại vào nước ta nhiều vì sau khủng hoảng, các nước đều có chính sách khuyến khích xuất khẩu. Năm nay tình hình đã khác. Bên cạnh đó, giá thép ngoại cũng tuân theo giá thế giới nên không chỉ riêng giá thép trong nước tăng. Tuy nhiên, có hiện tượng thép cacbon có chất lượng và thép kết cấu vào nhiều hơn.

Vân Hằng