Gia tăng tội phạm ven đô

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, những vụ án xảy ra ở vùng ngoại thành gia tăng mạnh mẽ và bắt nguồn từ những nguyên nhân hết sức đơn giản. Chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo tỏ ra ân hận và cho rằng sự nhận thức về pháp luật còn hạn chế…

Gia tăng tội phạm ven đô

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, những vụ án xảy ra ở vùng ngoại thành gia tăng mạnh mẽ và bắt nguồn từ những nguyên nhân hết sức đơn giản. Chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo tỏ ra ân hận và cho rằng sự nhận thức về pháp luật còn hạn chế…

Chuyện bé, xé to

Cuối năm 2007, vợ chồng Lê Văn Điệp đến nhà ông Nguyễn Đạo Hiền (bố vợ Điệp, thôn Đạo Tú, xã Quảng Phú Cầu) mở quán cho thuê bàn bi-a, chơi xèng. Anh Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1991 - người cùng xã) thỉnh thoảng đến chơi bi-a và xèng và nợ vợ chồng Điệp 300 nghìn đồng. Đầu tháng 2-2010, Nguyễn Hữu Tuấn đã trả cho chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (vợ Điệp) 100 nghìn đồng. Đêm 13-2-2010 (30 Tết), Điệp gọi điện cho Tuấn để đòi nốt số tiền còn lại nhưng không được liền lấy xe máy đi tìm. Khi đến nhà văn hóa thôn Phú Lương Thượng thì gặp Tuấn và xảy ra mâu thuẫn. Trong cơn bực tức, Điệp rút con dao bấm giấu trong túi áo đâm một nhát trúng ngực trái anh Tuấn làm anh Tuấn đã tử vong ngay sau đó.

Mới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Lê Văn Điệp bị cáo buộc phạm tội giết người. Tại phiên tòa, Điệp thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và tỏ ra ăn năn hối hận. Bao biện cho hành vi phạm tội của mình, Điệp cho rằng do thiếu hiểu biết pháp luật, say rượu và không kiềm chế được bản thân, mong HĐXX xem xét một phần hình phạt cho bị cáo. Sau khi xem xét các tình tiết trong vụ án, HĐXX đã và tuyên phạt Điệp mức án chung thân.

Tương tự, trong một vụ án xảy ra đêm 6-8-2009, khi anh Đặng Văn Luyến (SN 1974, trú tại thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) phát hiện bể nước ăn của gia đình bị người khác ném xác động vật chết vào. Không kiềm chế được, anh Luyến ra sân chửi (không cụ thể tên ai), đồng thời lấy gạch ném sang nhà ông Đặng Văn Ban (SN 1944) liền kề. Thấy vậy, Đặng Văn Ba (SN 1977), cùng ông Ban (bố của Ba) ra đầu ngõ nhà anh Luyến chửi lại. Sau đó, Ba chạy về lấy 1 gậy tre và gọi một số người thân đến trợ giúp, trong đó có Đỗ Trọng Anh (SN 1991), Đỗ Văn Nam (SN 1985) đều thuộc thôn Nghi Lộc. Đang cơn “hăng máu”, Đỗ Trọng Anh, Đỗ Văn Nam và Đặng Văn Ba trèo lên tường bao đạp đổ tấm prô-xi-măng để vào sân nhà anh Luyến “nói chuyện”.

Các bị cáo Đặng Văn Ba, Đỗ Văn Nam và Đỗ Trọng Anh tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo Đặng Văn Ba, Đỗ Văn Nam và Đỗ Trọng Anh tại phiên tòa sơ thẩm

Trong lúc xảy ra xô xát, Đỗ Văn Nam cầm gạch ném trúng mắt trái của anh Luyến gây tổn hại sức khỏe 18% tạm thời. Ngoài ra, Hội đồng định giá tài sản cũng xác định những bị can liên quan trong vụ án gây ra cho gia đình anh Luyến tổng số tiền gần 800 nghìn đồng. Hành vi trên của Đỗ Văn Nam, Đặng Văn Ba và Đỗ Trọng Anh đã bị cơ quan công tố cáo buộc phạm vào tội cố ý gây thương tích. Điều đáng nói, trong vụ án này, bị cáo Ba nguyên là cán bộ tham gia công tác đoàn thể (giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã Sơn Công), thì không thể nói là thiếu hiểu biết pháp luật.

Cần nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật

Theo Luật sư Vũ Văn Lợi - Văn phòng Luật sư Hòa Lợi (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội), thời gian gần đây vụ án xảy ra ở vùng ngoại thành Hà Nội, hoặc ở vùng nông thôn gia tăng mạnh. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo đôi khi bắt nguồn từ những mâu thuẫn, lý do hết sức đơn giản. Chỉ vì tức nhau lời nói, hay ánh mắt nhìn mà dẫn đến xô xát, thậm chí dẫn đến hậu quả chết người.

Đánh giá sự gia tăng tội phạm ở vùng ven đô, luật sư Lợi còn cho rằng, ngoài việc ứng xử văn hóa kém thì trình độ nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, các cấp cơ sở chưa có biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng gia tăng tội phạm. Nhiều lúc, nhiều nơi, sự phối hợp giữa các ban, ngành chưa thực sự đồng bộ. Đặc biệt, còn có những vụ án mà tòa án xét xử còn oan sai dẫn đến giảm sút lòng tin của người dân về sự nghiêm minh của luật pháp. Thật buồn ở nhiều phiên tòa, khi phải chứng kiến cảnh một số tội phạm ở tuổi chưa thành niên ngỡ ngàng trước hình phạt dành cho mình!

Một thẩm phán thuộc TAND TP Hà Nội cho biết, qua nhiều phiên tòa xét xử mà vụ án xảy ra ở một số vùng ven đô cho thấy, hầu hết các đối tượng gây án đều thuộc vào dạng thiếu hiểu biết về pháp luật. Nguyên nhân một phần dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo khi sống trong một gia đình có bố, mẹ hoặc người thân có hành vi thiếu văn hóa và thậm chí có cả những hành vi phạm tội.

Đơn cử như việc bố mẹ bất hòa, hay đánh chửi nhau, đánh bạc, nghiện rượu, nghiện ma túy, buôn lậu, trộm cắp, tham ô... thì những gương xấu này sẽ làm cho con em của họ dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp. Để đẩy lùi được tình trạng này, các ngành chức năng cần phải tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ở cơ sở. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần phải triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự xã hội, kịp thời giải quyết một cách dứt điểm những xung đột giữa các cá nhân, các nhóm thanh thiếu niên; tăng cường công tác hòa giải cơ sở… Mặt khác, Tòa án nhân dân các cấp cũng nên tăng thêm số lượng xét xử lưu động để thể hiện được sự răn đe, tính uy nghiêm của luật pháp.

Thanh Quang