Gia tăng TNGT nghiêm trọng: Xe khách đứng đầu bảng gây tai nạn

ANTĐ - TNGT thảm khốc, trong thời gian gần đây gây hậu quả thương tâm so với cùng kỳ có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân đã được chỉ ra từ lâu, nhưng làm thế nào để khắc phục lại không đơn giản.

Đa số nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông thuộc về lỗi chủ quan của lái xe

1.600 người chết trong 2 tháng

Vụ tai nạn thương tâm khiến 13 người chết, 6 người bị thương trên xe khách mang biển số Lào hồi cuối tháng 2 vừa qua khiến người dân hết sức bàng hoàng. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, xe khách không có điện, không điều hòa, không còi nhưng vẫn chạy với tốc độ rất cao khi đổ đèo. Khi gặp xe tải chạy ngược chiều, lái xe đã không kịp tránh nên đã đâm ngang chiếc xe tải. Đầu tháng 3, tại Đồng Nai, xe khách mang BKS: 53N-4551 lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam, đến địa bàn ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom đã gây tai nạn liên hoàn với 3 xe máy. Hậu quả làm 2 nạn nhân chết tại chỗ, 2 người khác bị thương. Tình trạng tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến xe khách gia tăng trong 2 tháng đầu năm đã cảnh báo về chất lượng đào tạo cũng như đạo đức, việc quản lý lái xe của các doanh nghiệp vận tải.

Thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 6.278 vụ TNGT, làm 1.599 người chết và 6.841 người bị thương. Đáng quan tâm là TNGT đặc biệt nghiêm trọng gia tăng, với 18 vụ, làm 47 người chết và 38 người bị thương, tăng 4 vụ và 6 người chết so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, TNGT mức ít nghiêm trọng lại có xu hướng giảm 22% số vụ và gần 20% số người chết.

Siết lại chất lượng, đạo đức lái xe

Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng tuyên truyền hướng dẫn luật, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đánh giá, 80% nguyên nhân các vụ TNGT thuộc về lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện cơ giới. Các lỗi chủ yếu lái xe thường mắc là đi sai làn đường, điều khiển xe quá tốc độ quy định, tránh vượt ẩu… Đối với tai nạn xe khách, nguyên nhân còn do lái xe đường dài mệt mỏi, xử lý tình huống kém, thậm chí vừa lái xe vừa ngủ gật. “Các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đều do lỗi của người lái xe. Điều này cũng phần nào phản ánh về việc quản lý, giáo dục đạo đức cho lái xe của các doanh nghiệp vận tải đang bị buông lỏng”, Thượng tá Sơn nhận định.

Đơn cử như Luật Giao thông đường bộ quy định xe khách đường dài từ 300km trở lên phải có 2 lái xe có bằng phù hợp với phương tiện điều khiển. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp chỉ có 1 lái chính, lái phụ thì không có hoặc bằng cấp không phù hợp. Hay, đa phần các DN đều khoán trắng cho lái xe, bởi vậy, hiện tượng tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu để bắt khách dọc đường diễn ra phổ biến.

Trước thực trạng chất lượng lái xe, đặc biệt là lái xe đường dài đang có nhiều vấn đề, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT cùng các ngành “siết” lại kỷ cương, công tác đào tạo. Song, theo Thượng tá Sơn, đây là bài toán khó, vì nhiều doanh nghiệp vận tải tư nhân, ký hợp đồng với lái xe đều là hợp đồng ngắn hạn, khi lái xe không hội đủ chỉ tiêu giao khoán là sa thải. Bởi vậy, bản thân người cầm lái cũng chịu áp lực.

Năm An toàn giao thông, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phải giảm 5-10% số vụ TNGT, số người chết, người bị thương. Nếu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cùng quan tâm ráo riết như thời gian vừa qua thì chỉ tiêu này đạt được là không khó. Tuy nhiên, Thượng tá Trần Sơn tỏ ra lo ngại bởi, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại đang có xu hướng gia tăng. Vừa qua, Cục CGST đã tăng cường 6 đội cho các địa phương trọng điểm, dọc QL1A, rồi phối hợp với ngành GTVT kiểm tra các điểm đen TNGT để có hướng xử lý như tạo nhám, xây gờ giảm tốc để cưỡng bức giảm tốc độ của lái xe…

Kiểm tra đột xuất đào tạo lái xe

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ có nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đào tạo, sát hạch cấp GPLX ở tất cả các cấp, trong đó chú trọng hình thức kiểm tra đột xuất.