Gia tăng số bệnh nhi do thời tiết thay đổi

(ANTĐ) - Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: Thời tiết Hà Nội thời gian này thay đổi thất thường, vài ngày nắng rồi vài ngày mưa lạnh, độ ẩm cao, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch khá lớn.

Gia tăng số bệnh nhi do thời tiết thay đổi

(ANTĐ) - Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: Thời tiết Hà Nội thời gian này thay đổi thất thường, vài ngày nắng rồi vài ngày mưa lạnh, độ ẩm cao, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch khá lớn.

Để ý phòng bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt Ảnh minh họa
Để ý phòng bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt  Ảnh minh họa

Hà Nội chuyển mùa: Nổi lên bệnh hô hấp, quai bị

Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với thời tiết, nên rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa này. Có đến 60-70% số bệnh nhi đến khám tại khoa trong những ngày gần đây mắc phải các căn bệnh viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản… với những triệu chứng đau họng, ho, sổ mũi, cảm cúm…

Đáng chú ý, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, hiện diễn biến về dịch bệnh đối với trẻ em nói chung không phức tạp, nhưng nổi lên dịch quai bị. Mỗi ngày, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân được chẩn đoán quai bị. Điều này chứng tỏ dịch quai bị đang vào mùa. Thông thường hàng năm, dịch quai bị xuất hiện vào cuối mùa xuân, đầu hè. Các bệnh nhi đến khám hầu như không phải nhập viện, đều được đưa về điều trị ngoại trú. Theo chuyên gia trên, bệnh quai bị không nguy hiểm nhưng cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế.

Để đề phòng bệnh viêm đường hô hấp, nên chú ý đến người cao tuổi và trẻ em - hai đối tượng rất nhạy cảm với sự thay đổi của khí hậu - khi có các biểu hiện mệt mỏi, khó thở, ho nhiều… Biện pháp tốt nhất là giữ vệ sinh thân thể, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng cần hết sức quan tâm giúp tăng sức đề kháng. Nếu có biểu hiện bất thường, cần đưa người bệnh đi khám để được chẩn đoán sớm và có biện pháp điều trị thích hợp.

Về triệu chứng, phần lớn bệnh nhân quai bị thấy khó chịu 1-2 ngày trước khi bị sốt cao (39-40 độ C) trong 3-4 ngày, chảy nước bọt và má sưng to, gây đau khi nuốt nước bọt. Sau đó, trẻ bị khô miệng vì các tuyến nước bọt đã ngừng hoạt động. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Đây là một bệnh nhẹ nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt là vô sinh. Khi điều trị tại nhà, để trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn (tránh nô đùa chạy nhảy rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn); Hạ sốt, có thể cho trẻ nằm giường, một chai nước nóng bọc trong khăn để áp vào bên má đau; Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ và chỉ ăn những thực phẩm dễ nuốt; Ăn nhiều hoa quả và uống nhiều nước để tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể. Để phòng ngừa, nên cách ly bệnh nhân cho đến khi khỏi hẳn và tiêm vaccine cho trẻ trên 2 tuổi.

TPHCM nắng nóng: Bệnh viêm não, viêm màng não gia tăng

Ngày 7-4, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài làm số lượng trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não tăng cao. Tại bệnh viện hiện có hơn 50 bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não đang được điều trị nội trú, trong đó có 9 bệnh nhi nặng đang cấp cứu, thở máy. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong ngày 7-4, khoa Nhiễm của bệnh viện có 16 trẻ bị viêm não, viêm màng não đang điều trị nội trú, tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Chỉ tính trong tháng 3, tại đây đã có 44 bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não phải điều trị nội trú, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có một bệnh nhi tử vong.

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng các bệnh lý từ tai mũi họng và tạo điều kiện cho siêu vi phát triển, là nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh nhi mắc bệnh viêm não, viêm màng não.

Viêm não, viêm màng não là loại bệnh lý nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong nhanh và để lại các di chứng nặng nề như yếu liệt chi, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, não nước, sống đời sống thực vật. Bệnh có thể gây tử vong chỉ trong vòng 2 ngày và tỷ lệ biến chứng từ 20 – 30%. Do đó, phụ huynh cần lưu ý khi thấy trẻ có các dấu hiệu sốt kèm theo đau đầu, nôn ói, lừ đừ, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biện pháp phòng bệnh là tiêm ngừa, cho trẻ ngủ màn, giữ vệ sinh ăn uống, đồ dùng, đồ chơi của trẻ.

Minh Chi – Tiến Hưng