Gia tăng hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả
(ANTĐ) - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến biên giới và thành phố lớn. Tại Hội nghị giao ban của Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế - Bộ Công an tổ chức mới đây (13-12-2010) tại Vũng Tàu cũng nhận định tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả đang có chiều hướng gia tăng.
Tiêu hủy tang vật một vụ buôn bán hàng lậu |
Với đường biên giới trải dài, tiếp giáp với nhiều nước láng giềng, công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, trọng điểm là các địa bàn khu vực cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh...
Đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình đường biên hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, đường tắt hai bên cánh gà cửa khẩu để vận chuyển hàng lậu. Phần lớn hàng hóa trước khi nhập lậu vào Việt Nam đều được chia nhỏ lẻ để cửu vạn tiện mang vác qua biên giới, sau đó sử dụng xe máy, ghe xuồng chở hàng lậu vào các địa điểm tập kết trong nội địa…
Hàng hóa vi phạm bị phát hiện, bắt giữ chủ yếu là rượu ngoại, thuốc lá, thuốc tân dược, gỗ, pháo nổ, đường cát Thái Lan, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, phụ tùng ôtô, xe máy, vật liệu xây dựng, vải, quần áo, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm,... ma túy tổng hợp các loại và tiền giả.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến 15-10-2010, toàn ngành đã bắt giữ được 10.470 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 332 tỷ đồng.
Một số tang vật điển hình đã bị lực lượng kiểm soát hải quan thu giữ gồm: 712.095 USD vận chuyển trái phép qua biên giới; 1.800kg vẩy tê tê; 5.328,2kg ngà voi; 30.460 quả trứng gia cầm, 966kg gia cầm; 761kg pháo các loại; 41.001kg đường; 15.755kg lá thuốc lá; 262.956 bao thuốc lá ngoại; 5.578 chai rượu ngoại; 9kg vàng; 14.308,9g heroin; 326.4g thuốc phiện; 10.509 viên ma túy tổng hợp, 4.177kg nhựa cần sa,...
Kết quả phát hiện và bắt giữ trên các tuyến địa bàn như sau: Tuyến biên giới đường bộ: 1.973 vụ, trị giá 41,6 tỷ đồng; Tuyến đường biển: 7.581 vụ, trị giá 177,9 tỷ đồng; Tuyến đường hàng không: 628 vụ, trị giá 36,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý là vào ngày 4-1-2010, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái - Cục Hải quan Quảng Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an phát hiện, xử lý 1 vụ gian lận thương mại tang vật trong đó có 92,8 tấn ắc quy đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu.
Ngoài ra, ngày 14-10-2010, Chi cục Hải quan Tân Thanh đã phối hợp với Phòng PC52 - Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Hiện tượng chống người thi hành công vụ cũng xảy ra nhiều hơn, điển hình là vụ ngày 17-1-2010, đồng chí Nguyễn Danh Sơn thuộc Đội KSHQ số 1 - Cục Hải quan Quảng Ninh bị các đối tượng tấn công, bắt giữ đưa sang Trung Quốc làm con tin.
Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội cho biết đáng chú ý trong năm 2010 là hình thức buôn lậu thông qua con đường nhập khẩu để gian lận thương mại, trốn thuế.
Bên cạnh đó là tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, gỗ sưa, quặng, than, gạo đang diễn biến rất phức tạp. Sản xuất buôn bán hàng giả cũng có chiều hướng gia tăng. Có thể nói không có một hàng hóa có thương hiệu nào trên thị trường là không có hàng giả: tiền giả, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu chỉ có công an, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan trong khi có hàng nghìn người tham gia buôn lậu với trăm nghìn quỷ kế. Vì vậy câu chuyện chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.
Nhóm pv ban cuối tuần