Gia tăng bệnh viêm màng não mô cầu

ANTĐ -Bệnh viêm màng não mô cầu đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, khi chỉ trong tháng 4 đã có tới 11 trên tổng số 24 ca mắc bệnh này 4 tháng đầu năm, 2 ca đã tử vong. 
Gia tăng bệnh viêm màng não mô cầu  ảnh 1

Số bệnh nhân tăng 16 người so với cùng kỳ năm ngoái. Đây bệnh nguy hiểm, thường gặp ở trẻ em và người già và dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề, có thể gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời.

Viêm màng não do mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis, các nhóm vi khuẩn gây bệnh thường gặp là A, B, C, Y, W-135, trong đó ở Việt Nam thường gặp nhóm A,B,C. Đối tượng mắc không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn, bệnh xuất hiện quanh năm. Bệnh lây qua đường hô hấp và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân.

Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và thường để lại di chứng về thần kinh. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nhưng nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.

Bệnh gây 2 bệnh lý chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu, đều nguy hiểm vì có thể gây sốc, tử vong nhanh chóng. Ở thể tối cấp, bệnh diễn tiến nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 60-70%; thể viêm màng não mủ là 30-40% nếu việc điều trị không kịp thời. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là viêm màng não mô cầu dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, vì cũng có ban hoại tử trên da giống với bệnh liên cầu khuẩn. Bệnh cũng khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu giống như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính.

Trong điều kiện bình thường, khoảng 5-10% dân số mang vi khuẩn Neisseria Meningitidis ở vùng hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh lý. Trong số này có thể có chủng gây bệnh hoặc chủng lành tính. Tuy người mang khuẩn không có biểu hiện bệnh lý nhưng trong một số trường hợp, việc lây nhiễm vi khuẩn này sang người khác có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh.

Dù vậy trên thực tế, việc lây truyền không thật sự dễ dàng, chỉ có khoảng 3-4% người sống chung nhà với bệnh nhân nhiễm não mô cầu bị nhiễm thứ phát. Để phòng ngừa viêm màng não mô cầu, cần thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn; Súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt; Tránh các tiếp xúc gần gũi với người khác, nếu có thể; Tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng…

Đặc biệt người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu. Vaccin phòng bệnh này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và cho người lớn có nguy cơ bị bệnh cao (người đang sống trong vùng có dịch xảy ra, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch...). Khi có các biểu hiện của viêm màng não mô cầu cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị...

 

Sau khi vi khuẩn não do mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày, người bệnh có triệu chứng sốt cao (39-40 độ C), đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có thể bị co giật, có ban xuất huyết như chấm hồng hoặc mụn nước...Sau 1-2 ngày nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ hoặc hôn mê, thậm chí xuất hiện mảng xuất huyết và xảy ra sốc dễ gây tử vong.
Ngoài ra, khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viên họng và ở những cơ địa yếu, vi trùng tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và với những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng.