Gia tăng bệnh nhân bị rắn độc cắn

ANTĐ - Thời điểm này, tại Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai, lượng bệnh nhân vào cấp cứu do bị rắn độc cắn tăng cao, nhiều đêm có tới 4-5 trường hợp nhập viện. Theo các bác sĩ, hiện đang là mùa sinh sản của rắn nên cũng là thời điểm số người bị rắn tấn công tăng nhiều nhất trong năm.

Bệnh nhân bị rắn độc cắn phải truyền tới 46 lít máu để cấp cứu

Suýt tử vong vì rắn cắn 

Mới đây, Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân H., 20 tuổi, ở Thường Tín (Hà Nội) bị rắn cạp nia tấn công trong lúc đi tập thể dục buổi tối. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch với biểu hiện sụp mi, đồng tử giãn to, hôn mê, co giật, khó thở, liệt cơ toàn thân..., nguy cơ tử vong cao. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, vào cuối tháng 8-2013, BV này đã cứu sống 2 ca bệnh rất nặng do bị rắn cắn, trong đó một bệnh nhân ở Hà Giang đã phải truyền lượng máu lên tới 46 lít. Trường hợp khá thương tâm khác là bệnh nhân Nguyễn Thị Kh. (SN 1953, ở Duy Tiên, Hà Nam) bị rắn cạp nia cắn vào cổ tay phải, nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Vừa được cứu sống qua cơn nguy kịch, tiên lượng còn rất xấu và phải tiếp tục nằm máy thở nhưng gia đình bệnh nhân đã xin cho bệnh nhân về vì… không còn khả năng trả tiền điều trị.

TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai cho biết, vào mùa mưa, số ca bị rắn cắn nhập viện bao giờ cũng tăng mạnh, cao điểm nhất là tháng 8-10 hàng năm. Không chỉ người dân ở khu vực nông thôn mà ngay cả trong các khu vực nội thành cũng có trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, hạ thân nhiệt, suy tuần hoàn, rối loạn nhịp thở, giảm phản xạ gân xương. Ở các tỉnh miền Bắc, nạn nhân bị rắn cạp nia cắn dẫn đến nguy kịch phổ biến nhất. Thống kê của Trung tâm Chống độc trong 2 năm qua, chỉ tính riêng số nạn nhân bị rắn cạp nia cắn, Trung tâm đã tiếp nhận tới 57 trường hợp…

Sơ cứu đúng cách 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc- BV Bạch Mai, tình trạng nguy kịch khi bị rắn cắn tuỳ thuộc nhiều yếu tố như loại rắn cắn, kích cỡ con rắn, mức độ vết thương, số nhát cắn… Trong hầu hết các trường hợp nọc độc xâm nhập vào cơ thể theo con đường mạch bạch huyết và trở nên nhanh hơn khi cơ thể vận động. Do vậy, khi bị rắn cắn, người bị cắn cần hạn chế vận động để nọc độc chậm tấn công cơ thể. Biện pháp sơ cứu hợp lý khi bị rắn cắn là nhanh chóng cố định vết cắn bằng nẹp (chú ý không băng ép khi rắn lục cắn), rửa sạch vết cắn bằng dung dịch thuốc tím 1% hoặc nước sôi để nguội pha ít muối hay xà phòng. Dùng ống hút hay bơm tiêm 5 ml để rút nọc. Sau đó lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, các bác sĩ Trung tâm Chống độc còn khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần phải cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể các đồ dùng này sẽ gây chèn ép khi vùng tổn thương bị sưng nề. Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường) để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...). Đặc biệt không nên mất thời gian đi tìm thầy lang, thuốc lá để chữa trị vì có thể làm chậm thời gian cấp cứu, song nếu có sẵn các bài thuốc cổ truyền thì vẫn nên dùng và ngay sau đó phải đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt.