Gia tăng bất ổn an ninh tại Nam Sudan qua việc ép buộc trẻ em đi lính

ANTD.VN - Các điều tra viên Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo rằng, bất chấp tình trạng dần ổn định tại Nam Sudan, việc chiêu mộ trẻ em vào các quân đoàn và lực lượng dân quân đang gia tăng trong bối cảnh các bên tranh chấp đang đẩy mạnh nỗ lực củng cố quân số. Các điều tra viên cũng đồng thời cảnh báo về gia tăng nạn bạo hành tình dục đối với phụ nữ và tình trạng bạo loạn sắc tộc ở cấp địa phương có thể đẩy đất nước này đến bờ vực nội chiến. 

Gia tăng bất ổn an ninh tại Nam Sudan qua việc ép buộc trẻ em đi lính ảnh 1Hơn 3.200 trẻ em đã từng phải đi lính, phục dịch, hay làm vợ các chiến binh trước năm 2018 tại Nam Sudan (Trong ảnh: Một cựu binh lính trẻ em tại Yambio) 

Triển vọng hòa bình thúc đẩy việc cưỡng ép trẻ em đi lính

Bà Yasmin Sooka, người đứng đầu Ủy ban nhân quyền LHQ tại Nam Sudan cho biết, sự gia tăng số lượng binh lính trẻ em tại phần lớn các “điểm nóng” ở quốc gia này. Trong số trẻ em được chiêu mộ, có rất nhiều bé gái bị ép buộc phục dịch và quan hệ tình dục với các quân nhân khác. 

Trong một phiên họp với Hội đồng nhân quyền LHQ vào thứ 2 tuần này, bà Sooka, người mới đến thăm Nam Sudan vào tháng trước đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, an ninh và ổn định trong tương lai cho trẻ em tại quốc gia này. Triển vọng về một thỏa thuận hòa bình đã đẩy mạnh việc ép buộc trẻ em đi lính, với nhiều phe nhóm đang tìm cách gia tăng quân số trước khi đóng thành các quân doanh (dựa trên một thỏa thuận vào đầu năm nay về việc thành lập 25 quân doanh giữa các bên đối lập trong 30 ngày kể từ việc ký kết thỏa thuận hòa bình).

Bình luận về thỏa thuận thành lập Chính phủ lâm thời trước tháng 11 năm nay, được ký bởi Tổng thống Salva Kiir và lãnh đạo phe nổi loạn Riek Machar vào tuần trước, bà Sooka cảnh báo rằng việc thiết lập một quân đội chung cũng có thể khuyến khích việc chiêu mộ chiến binh trẻ em, vì các binh lính trẻ thường mong muốn kiếm được trợ cấp. 

Vẫn còn tồn tại nguy cơ xảy ra nội chiến

Những lời bình luận của bà Sooka chỉ ra 2 điểm cần quan tâm. Thứ nhất là sự gia tăng binh lính trẻ em có thể được chuyển hóa vào lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Thứ hai là mối hiểm họa lớn hơn về một cuộc nội chiến mới. Phát ngôn của bà Sooka nhận được sự ủng hộ từ các báo cáo LHQ về tranh chấp nội bộ tại các khu vực hẻo lánh được kiểm soát bởi cả hai phe giao tranh.

Nghiên cứu của Liên hợp quốc xác định 14 quốc gia có thừa nhận sử dụng trẻ em trong các cuộc chiến, bao gồm Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Congo, Iraq, Mali, Myanmar, Nigeria, Philippines, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen. Ước tính bởi Quỹ từ thiện trẻ em Theirworld, trên toàn thế giới có khoảng 250.000 binh lính trẻ em với 40% trong số đó là các bé gái. 

Vào tháng 7 vừa qua, LHQ đã có báo cáo về việc đụng độ giữa quân đội quốc gia Nam Sudan và các phe nhóm vũ trang khác khiến hơn 100 người dân tại khu vực phía Nam của nước này thiệt mạng. Trong một tài liệu báo cáo khác cùng tháng, một phái đoàn gìn giữ hòa bình của LHQ đã tiết lộ rằng, giữa tháng 9-2018 và tháng 4-2019, hành vi xâm hại tình dục vẫn tiếp tục xảy ra tại khu vực miền Trung Equatoria, bao gồm các vụ hiếp dâm với ước tính con số nạn nhân lên đến 100 phụ nữ và bé gái. 

Sau 5 năm cuộc nội chiến đã cướp đi gần 400.000 sinh mạng, Chính phủ Nam Sudan và các nhóm nổi loạn cũng đạt được một thỏa thuận hòa bình vào năm 2018. Thỏa thuận này bao gồm sự phóng thích các binh lính trẻ em và nhiều người khác đã bị cuốn vào cuộc chiến này. Vào thời điểm ký kết thỏa thuận hòa bình, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) báo cáo có đến 19.000 trẻ em trong các lực lượng vũ trang tại Nam Sudan đóng vai trò chiến sĩ hay phục vụ các mục đích khác. Con số trên bị phản bác bởi người phát ngôn của quân đội Nam Sudan, người đã nhấn mạnh “chúng tôi không muốn có binh lính trẻ em”.