Gia tăng áp lực để ngăn chặn tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất đồng và đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, song chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thống nhất và tiếp tục duy trì áp lực nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhất là ngăn chặn và kiềm chế tham vọng chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz của Mỹ tiến hành diễn tập ở Biển Đông đầu tháng 2-2021

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz của Mỹ tiến hành diễn tập ở Biển Đông đầu tháng 2-2021

Kế thừa chính sách cứng rắn với Trung Quốc

Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến diễn ra ngày 19-2, đồng thời được xem là màn “chào sân” thế giới lần đầu tiên kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng trước đó gần 1 tháng, tân Tổng thống Joe Biden đã nêu bật những chính sách đối ngoại cơ bản của chính quyền mới ở Mỹ. Theo đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại quan trọng dưới thời chính quyền Donald Trump.

Tổng thống Joe Biden đã thổi luồng sinh khí mới vào liên minh xuyên Đại Tây Dương bằng cam kết ưu tiên khôi phục quan hệ với đồng minh châu Âu song song với việc đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu. Đặt dấu chấm hết cho chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump là rút Mỹ khỏi các hiệp định và liên minh toàn cầu quan trọng, Tổng thống Joe Biden khi nêu rõ: “Nước Mỹ đã trở lại” và “Liên minh Đại Tây Dương đã trở lại”.

Tuy nhiên, có chính sách đối ngoại quan trọng của chính quyền tiền nhiệm mà Tổng thống Joe Biden chẳng những không đảo ngược mà còn khẳng định tiếp tục thực thi với cường độ cao hơn, đó là gia tăng áp lực với Trung Quốc. Trong cuộc họp G7 trực tuyến trước Hội nghị An ninh Munich vài giờ, Tổng thống Joe Biden cũng thẳng thừng tuyên bố: “Chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc”.

Với những tuyên bố công khai tại các diễn đàn quốc tế quan trọng hàng đầu sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định điều mà giới quan sát, phân tích đã đưa ra trước đó là dù đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, song vẫn kế thừa chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc. Ông Joe Biden kể từ khi chính thức trở thành chủ nhân của Nhà Trắng từ ngày 20-1-2021 tới nay không những không lơi lỏng mà liên tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc, thể hiện qua hàng loạt động thái trong 1 tháng cầm quyền đầu tiên.

Thông tin ngày 20-2 cho biết, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc đánh giá chiến lược liên quan đến Trung Quốc để “giải quyết những thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong khi đó, cùng với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rủi ro đến từ Trung Quốc là một trong những vấn đề lớn đang được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ưu tiên đối phó trong kế hoạch quân sự dài hạn suốt nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trước đó, xuyên suốt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của “Bộ tứ” diễn ra dưới hình thức trực tuyến ngày 18-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng những người đồng cấp Marise Payne (Australia), S. Jaishankar (Ấn Độ) và Toshimitsu Motegi (Nhật Bản) đã phản đối gay gắt những hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. “Bộ tứ” (Quad) đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên nhằm đưa nhóm này tiến gần hơn đến việc thể chế hóa cùng kế hoạch đã được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh để Quad trở thành một “nền tảng để Mỹ xây dựng chính sách bền vững tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Mạnh mẽ trong hành động thực tế

Đồng thời với việc đưa ra những tuyên bố, thông điệp thể hiện việc tiếp nối chính sách cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt trong việc ngăn chặn tham vọng chủ quyền phi lý và phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông, chính quyền mới của Mỹ cũng có những hành động mạnh mẽ đối phó với Trung Quốc. Trong đó, tàu chiến Mỹ liên tiếp tiến hành tuần tra sát các đảo, thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, động thái thể hiện sự bác bỏ đối với đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa USS JohnS. McCain của Hải quân Mỹ tiến hành chuyến tuần tra sát quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã “nối gót” vào Biển Đông để tiến hành các hoạt động diễn tập “nhằm tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như năng lực chỉ huy và kiểm soát”. Đây là hoạt động chung đầu tiên của hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ tại Biển Đông kể từ tháng 7-2020 và cũng là lần đầu tiên biên đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ vào Biển Đông kể từ khi Tổng thống Joe Biden chính thức cầm quyền.

Những hành động thể hiện sự cứng rắn, mạnh mẽ của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden trong vấn đề Biển Đông thêm một lần nữa được chứng tỏ khi Lầu Năm Góc điều tàu khu trục USS Russell vào ngày 17-2 vừa qua tiến hành tuần tra ngang các hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Những hoạt động liên tiếp của tàu chiến Mỹ, nhất là hai biên đội tác chiến tàu sân bay, ở Biển Đông được giới quan sát cho rằng nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời phát đi thông điệp rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp nối lập trường và hành động cứng rắn của chính quyền Donald Trump tiền nhiệm để phản đối và bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Không chỉ hành động cứng rắn, chính quyền Tổng thống Joe Bien còn phối hợp với các đồng minh nhằm ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đầu tháng 2 này, tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine của Hải quân Pháp đã thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông mà theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trên Twitter là “bằng chứng nổi bật cho thấy năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai ở những khu vực xa xôi” cũng như phối hợp với “các đối tác chiến lược của chúng tôi như Mỹ, Australia và Nhật Bản”.

Nhìn vào những gì mà chính quyền Tổng thống Joe Biden “nói và làm” ở Biển Đông trong vòng tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, giới quan sát đánh giá chính quyền của vị Tổng thống thứ 46 này của nước Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng áp lực bằng các tuyên bố và hành động mạnh mẽ để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, điều vốn đã được đẩy mạnh dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump suốt 4 năm qua.