Giá sữa Việt Nam đắt hơn Thái Lan

ANTĐ - Giá bán trung bình trên mỗi kg sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em tại Việt Nam cao hơn sản phẩm cùng loại tại một số nước trong khu vực từ 2 - 6,5 USD. Thông tin trên được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến “Bình ổn giá sữa - từ chính sách đến thị trường”, diễn ra ngày 2-6.

Giá sữa Việt Nam đắt hơn Thái Lan ảnh 1Giá sữa đến tay người tiêu dùng cần hợp lý hơn 

Chênh lệch đến hơn 125.000 đồng/hộp 

Thường xuyên đi công tác tại Indonesia và Malaysia, anh Mai Văn Thế (trú tại Hải Phòng) cho biết: “Mỗi lần đi công tác, tôi đều mua sữa về cho con, giá sữa cùng loại ở hai nước này bao giờ cũng rẻ hơn”.

Thừa nhận có tình trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, giá bán trung bình của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 - bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giá bán trung bình của mặt hàng nói trên  tại Việt Nam hiện  là 16 USD. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá trung bình chỉ 14 USD, Philippines là 12,9 USD, Malaysia là 10,9 USD và Indonesia chỉ có 9,5 USD. Giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực từ 2 - 6,5 USD/kg. Nếu làm tròn tỷ giá 1 USD = 21.500 đồng thì mỗi kg sản phẩm sữa, giá sữa tại Việt Nam chênh lệch từ 43.000 - 139.700 đồng/kg. Với cách đóng hộp 900 gam thông thường, người tiêu dùng Việt Nam phải chi trả cao hơn đến 125.800 đồng/hộp sữa so với người tiêu dùng ở một số nước cùng khu vực. 

Lý giải về sự chênh lệch đó, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, do có nhiều yếu tố khác nhau như: môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia. Cơ quan quản lý đã khảo sát và  thấy rằng, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định nhập khẩu. “Có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói. 

Giá thế giới giảm, trong nước vẫn “đứng im”

Theo dự báo của Tổ chức Nông lương Thế giới, giá một số loại sữa nguyên liệu có xu hướng giảm trong năm 2015. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi đã tham vấn thông tin từ cơ quan hải quan, cho thấy giá nguyên liệu và sản phẩm sữa thành phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng ổn định và không chịu tác động giảm do nguyên liệu sữa giảm. Điều này đặt ra vấn đề cần phải rà soát, thu thập thông tin để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, thực sự theo thị trường có lên có xuống”.

Từ tháng 6-2014 đến nay, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm. Mức giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm từ 0,1-34% và giữ ổn định liên tục trong 12 tháng. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá cho rằng kết quả bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường. Trong đó, đáng chú ý nhất là giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm hoặc giảm ít. 

Thực tế cho thấy, trong 1 năm qua, kể từ thời điểm áp giá trần bán buôn đối với sản phẩm sữa (tháng 6-2014), người tiêu dùng Việt Nam không còn “sốc” vì giá sữa tăng bất ngờ. Thị trường tương đổi ổn định. Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc giá sữa đến tay người tiêu dùng đã ở mức hợp lý.