Giá sữa giảm nhỏ giọt, người tiêu dùng vẫn phải mua

ANTĐ - Theo quy định, từ ngày 20-4, các doanh nghiệp phải loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá sữa, kê khai lại và giảm giá tương ứng. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên thị trường, nhiều mặt hàng không điều chỉnh giảm hoặc giảm “nhỏ giọt”.

Giá sữa giảm nhỏ giọt, người tiêu dùng vẫn phải mua ảnh 1Mức giá bán lẻ của nhiều mặt hàng hiện đang thấp hơn
so với giá cơ quan quản lý khuyến nghị

Chỉ giảm vài đồng lẻ 

Từ ngày 20-4, quy định tách chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa chính thức có hiệu lực. Từ thời điểm này, 25 sản phẩm sữa của công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam chính thức giảm giá từ 1.697-6.994 đồng/hộp. Theo đó, Enfamil A+1 360 độ Brain Plus giá bán lẻ 255 nghìn đồng/hộp thì hãng giảm giá 2.250 đồng/hộp; Enfagrow A+3 360 độ Brain Plus 1.800g, giá bán buôn cũ 699.435 đồng/hộp, nay giảm 6.994 đồng/hộp, tương ứng khoảng 1%. Mức giảm từ 2-4% được áp dụng đối với sản phẩm Enfamil A+1, A+2…

Tương tự, Friesland Campina cũng công bố giảm giá cho 14 sản phẩm sữa, từ 4.125 đồng/hộp đến 16.450 đồng/hộp. Công ty TNHH Nestle Việt Nam giảm giá 3 sản phẩm với mức “không thể thấp hơn”, từ 1.000 đồng - 2.750 đồng/hộp. 

Từ hôm qua (22-4), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A cũng giảm giá đối với 8 mẫu sản phẩm của Abbott, từ 1-1,5%. Similac Total Comfor 3 loại 360g có giá bán buôn mới là 240 nghìn đồng, giảm 1.000 đồng so với giá bán cũ, còn lại những sản phẩm có giá bán trên 200 nghìn đồng/hộp đều giảm giá chỉ 2.500 đồng. Theo nhân viên đại lý sữa trên phố Tây Sơn, giá sữa bán buôn chỉ giảm vài nghìn đồng/hộp nên đại lý có thể không cần điều chỉnh giá bán lẻ. 

Trong khi đó, giá bán lẻ một số mặt hàng sữa theo khuyến nghị của Bộ Tài chính hiện cao hơn giá bán lẻ sữa thực tế ngoài thị trường. Cụ thể, Friso Gold 3 hộp 900g có giá bán lẻ dao động từ 393.000- 405.000 đồng/hộp, thấp hơn mức trần bán lẻ 419.000 đồng/hộp. Enfalac LactoFree Power 400g, các đại lý đang bán với giá 190 nghìn đồng/hộp, thấp hơn 5.202 đồng/hộp so với giá khuyến nghị.  Tương tự, Dutch Lady Tò Mò Gold dành cho trẻ 1-2 tuổi hộp 900g có giá 210.000 đồng/ hộp, trong khi giá bán lẻ khuyến nghị lên đến 290.000 đồng/hộp, cao hơn giá bán trên thị trường đến 80.000 đồng/hộp. Chị Nguyễn Mai Hương (Giảng Võ - Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Người tiêu dùng luôn mong giá sữa giảm, nhưng giá cơ quan quản lý khuyến nghị còn cao hơn cả giá bán thực ngoài thị trường. Như vậy làm sao chúng tôi mong sữa giảm giá. Cần dùng thì vẫn phải mua thôi”. 

Cơ hội cho sữa nội

Ông Nguyễn Anh Tuấn -  Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá của các doanh nghiệp sữa chiếm trung bình 10-15%. Tuy nhiên, có những dòng sữa tỷ lệ chi phí cho quảng cáo thực tế chỉ là 0%. Điều này phụ thuộc vào tình hình kinh doanh sản phẩm trên thị trường và chính sách của từng doanh nghiệp.

“Sau khi cơ quan chức năng thực hiện áp giá trần với giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ năm ngoái thì đây là đợt giảm thứ hai. Hiện đã có 686 dòng sản phẩm kê khai và giảm giá từ 0,1-34%. Như vậy, mức giảm 0,4-4% nói trên là tương đối phù hợp”, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn đánh giá. 

Trước lo lắng về khả năng doanh nghiệp “lách luật” bằng cách cho ra đời những sản phẩm sữa cho trẻ em mới với giá cao với lý do thay đổi công thức, đại diện Cục Quản lý giá khẳng đinh: “Việc thay đổi mẫu mã, phân loại đều phải đăng ký trước với cơ quan chuyên môn của ngành y tế và sau đó cơ quan quản lý giá sẽ rà soát. Do đó, sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường sẽ không thể tự ý nâng giá”. 

Nhìn nhận về tình trạng giá sữa nhập ngoại liên tục tăng trong thời gian vừa qua, bà Dương Thị Hoa - Giảng viên Khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Đây cũng có thể xem là cơ hội cho một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước. Đối với mặt hàng sữa cho trẻ em, các doanh nghiệp nội cần phải chứng minh cho thị trường thấy thực sự đảm bảo về mặt chất lượng”. 

“Hiện giá sữa ngoại đang rất cao, nhất là hàng xách tay, đơn cử như một hộp sữa mua tại Đức, khi xách tay về Việt Nam có mức giá cao hơn 1,5 đến 1,7 lần so với giá bán tại Đức. Trong khi đó, một số sản phẩm trong nước được đánh giá là có chất lượng tốt nhưng lượng tiêu thụ lại thấp hơn nhiều so với sữa ngoại do các hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu còn yếu, chưa góp phần tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”, bà Hoa phân tích. 

Thêm 42 sản phẩm đăng ký giảm giá

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính vừa tiếp tục công bố mức giá kê khai lại một số mặt hàng sữa cho trẻ em. Cụ thể, có 25 sản phẩm sữa của Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến, nhà phân phối của Mead Johnson Nutrition Việt Nam đăng ký tại Bộ Tài chính, 17 sản phẩm sữa của Vinamilk và Công ty TNHH Danone Việt Nam đăng ký tại Sở Tài chính TP.HCM.