Giá sữa giảm cũng khó quản

ANTĐ - Vừa qua, tình hình giá cả thị trường đáng chú ý nhất chính là việc điều chỉnh giảm giá sữa do áp giá trần theo quy định của Bộ Tài chính. Giá sữa đang được điều chỉnh, nhưng liệu mức giảm có như kỳ vọng và cơ quản quản lý có quản được giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng hay không lại là chuyện khác.

Người tiêu dùng phấn khởi khi giá bán lẻ sữa giảm

Sữa trong siêu thị giảm giá đáng kể

Sau đợt công bố giá bán lẻ 5 mặt hàng sữa của Abbott giảm khá mạnh, áp dụng từ 1-6 tại hệ thống siêu thị Ocean Mart với mức giảm nhiều nhất là 143.000 đồng/hộp sữa Similac Gain IQ 1,7kg và mức giảm thấp nhất là 42.000 đồng/hộp Abbott Grow 3 900g, từ ngày 11-6, giá sữa bán lẻ của Mead Johnson tại hệ thống này cũng giảm. Đáng chú ý, giá bán lẻ niêm yết của Mead Johnson giảm rất ấn tượng.

Cụ thể, Enfagrow A+3 vanilla 1,8kg giảm tới 196.000 đồng/hộp. Mức giảm tối thiểu cũng gần 60.000 đồng/hộp Afamil A+1 400g. Giá bán được niêm yết này làm yên lòng người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thanh Tân (Trung Hòa- Nhân Chính) chia sẻ: “Bớt chi tiêu một đồng vào thời điểm này cũng là quý, huống chi mỗi hộp sữa giảm từ vài chục nghìn tới gần 200.000 đồng. Tính ra mỗi tháng tôi có thể tiết kiệm ít nhất 500.000 đồng tiền mua sữa bột cho con gái hơn 2 tuổi”. 

Theo đại diện truyền thông của hệ thống siêu thị Big C, giá bán mới một số mặt hàng sữa của các hãng: Nestle, Abbott được áp dụng từ 1-6, tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Tài chính. Theo kế hoạch, các hãng sữa khác cũng giảm giá bán lẻ theo yêu cầu. Nguồn tin từ hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng cho hay, siêu thị này rất “mạnh tay” đối với các hãng sữa đang cố tình trì hoãn giảm giá bán theo quy định. 

Nhận xét của nhiều người tiêu dùng cho thấy, khi cơ quan quản lý áp trần giá bán buôn đối với các mặt hàng sữa, đại lý bán lẻ được cộng tối đa thêm 15% giá bán buôn thì các siêu thị đã tuân thủ khá nghiêm túc. Nguyên nhân bởi bất kỳ sản phẩm nào trong siêu thị cũng đều phải niêm yết giá công khai. Khách hàng dễ dàng tính được giá bán trong siêu thị đã hợp lý hay chưa, so sánh, đối chiếu để đảm bảo quyền lợi. 

Giá sữa ngoài thị trường khó kiểm soát

Thị trường tự do vốn không niêm yết giá công khai với các sản phẩm nói chung và sữa nói riêng, cũng hiếm khi có hóa đơn chứng từ để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng nên rủi ro đối với khách mua là rất lớn. Hơn nữa, cửa hàng, đại lý sữa lẻ ngoài thị trường len lỏi vào từng ngõ ngách, khu dân cư, lực lượng quản lý không thể kiểm soát hết. Vì vậy, quản giá sữa ngoài thị trường tự do như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời.

Mặc dù các doanh nghiệp đều “than” lỗ khi Bộ Tài chính sử dụng công cụ hành chính, áp giá trần bán buôn cho sản phẩm sữa nhưng không ít sản phẩm doanh nghiệp đăng ký lại thấp hơn mặt bằng chung khi chưa có giá trần từ 100.000-120.000 đồng/hộp. Trong đó, có những sản phẩm có giá bán buôn thấp hơn mức giá trần quy định từ 50.000-80.000 đồng/hộp tùy sản phẩm. Chẳng hạn Grow G-Power Vanilla 900g có giá bán buôn do doanh nghiệp công bố là 360.000 đồng/hộp; Similac Gain Plus IQ 900 g có giá bán buôn là 405.000 đồng/hộp. Nếu cộng thêm tối đa 15% nữa thì mức giá bán lẻ của 2 hộp sữa Grow G-Power Vanilla 900g, Sữa Similac Gain Plus IQ 900 g có giá lần lượt là: 415.000 đồng/hộp và 466.000 đồng/hộp.

Tại cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm, hiện 2 loại sữa này cũng đang có giá 425.000 đồng/hộp và 470.000 đồng/hộp. Như vậy đối chiếu với giá bán lẻ theo cách tính của doanh nghiệp và Bộ Tài chính đưa ra sau ngày 21-6 với mức giá bán lẻ hiện tại, giá sữa giảm rất ít. Tương tự, cửa hàng H.M trên phố Thành Công trước đây bán sữa Similac Gain IQ 1,7kg giá 800.000 đồng/hộp. Giá bán lẻ mới tính theo giá trần bán buôn do doanh nghiệp đăng ký là 795.000 đồng/hộp, mức giảm không đáng là bao. Tuy nhiên, cửa hàng này lại chưa giảm giá bán lẻ. 

Ngoài ra, một số hãng còn khuyến mãi cho khách hàng khi giảm giá. Đại lý sữa tại khu tập thể Thành Công khuyến mãi 1 ba lô kiểu dáng “độc” cho khách hàng mua 6 hộp Similac Gain IQ 900g và Ensure. Giá bán lẻ Similac Gain IQ 900g cũng giảm từ 488.000 đồng/hộp xuống còn 425.000 đồng/hộp. 

Các chuyên gia trong ngành cho biết, chi phí sản xuất giá sữa thực ra chỉ có 2 đối tượng biết rất rõ là các nhà sản xuất sữa và nhà phân phối. Để đối phó với cách thức áp giá trần, doanh nghiệp sản xuất chỉ cần lấy giá bán lẻ hiện tại trừ đi 15%- 20%, rồi đăng ký mức giá đó với Bộ Tài chính. Doanh nghiệp không bao giờ chịu lỗ, và người tiêu dùng khó mà được lợi. Bản chất của sự việc áp trần để tiến tới giảm giá bán lẻ rất khó thực hiện khi mà doanh nghiệp chỉ cần điều chỉnh hàm lượng vi chất, điều chỉnh công thức, hay đơn giản hơn là điều chỉnh phần rất nhỏ giá nguyên liệu là cho ra mức giá đúng với yêu cầu giá trần của Bộ Tài chính.