Giá sữa chỉ tăng không giảm

ANTĐ - Hàng loạt các câu hỏi liên quan đến việc điều chỉnh giá sữa của các doanh nghiệp đầu năm 2014 tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3-3 của Bộ Công Thương cho thấy, đây là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Thông tin công khai về giá sữa giúp người tiêu dùng an tâm

Công khai giá bán

Thường xuyên phải mua sữa bột cho hai con nhỏ, chị Nguyễn Mai Hương (Giảng Võ, Ba Đình) rất lo lắng khi giá sữa liên tục tăng. “Đầu năm 2014, sữa đã tăng giá, mỗi tháng nhà tôi phải chi thêm hơn 200.000 đồng tiền sữa cho con. Bây giờ lại có thông tin các doanh nghiệp sữa thỏa thuận tăng giá bán, người tiêu dùng thực sự hoang mang. Cần công khai, minh bạch giá sữa, vì từ trước tới giờ, giá sữa chỉ tăng chứ không có giảm” - chị Nguyễn Mai Hương nói.

Có chung băn khoăn này, nhiều người tiêu dùng cho rằng, nếu giá mỗi sản phẩm tiêu dùng tăng thêm một chút thì chi tiêu sinh hoạt tăng lên không ít. Trong khi đó, thu nhập của người dân có hạn. Nếu giá cả mỗi mặt hàng tăng đều được minh bạch và hợp lý thì người dân sẵn sàng chia sẻ. Ngược lại, việc tăng giá bán mập mờ thì người dân còn hoài nghi.

Ngày 31-1-2014, Nestle Việt Nam thông báo điều chỉnh giá. Mead   Johnson và Vinamilk cùng tăng ngày 12-2-2014 và FrieslandCampina tăng ngày 25-2… Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong 4 doanh nghiệp này, duy nhất trường hợp Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chấp nhận cho tăng giá bán vì giải trình của doanh nghiệp này khá thuyết phục.

Riêng với Công ty TNHH Nestle, Bộ Tài chính đã có công văn gửi tới nhà phân phối sữa Nan đề nghị hoãn tăng giá và cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ chi phí đầu vào tăng trước và sau khi điều chỉnh giá (thời điểm ngày 25-2). Tuy nhiên, trên thị trường, giá bán một số sản phẩm của Nestle vẫn được điều chỉnh. Cụ thể, sản phẩm Nan AH 110 loại 400g có giá mới là 194.400 đồng/hộp (tăng 9.200 đồng/hộp so với bảng báo giá cũ); Nan 1 Pro 400g tăng từ 222.200 đồng lên 233.300 đồng/hộp; loại 800g từ 391.700 đồng lên 412.000 đồng/hộp… Trao đổi với báo chí, đại diện các doanh nghiệp này khẳng định không thỏa thuận tăng giá bán mà việc tăng giá là do chi phí đầu vào tăng. 

Đã quản lý chặt?

Ngày 28-2- 2014, Thủ tướng   Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc 4 doanh nghiệp cùng tăng giá sữa. Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị,      Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Bộ Công Thương bám sát việc giải trình tăng giá của những doanh nghiệp chủ lực cùng tăng giá nêu trên. “Đây là biểu hiện mà theo Luật Cạnh tranh là có thỏa thuận”- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nói.

Trả lời câu hỏi của PV ANTĐ tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3-3, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối xem xét vụ việc này. Nhưng Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm phải làm rõ doanh nghiệp có niêm yết giá hay không và có bán đúng giá niêm yết hay không. Có thể có một số doanh nghiệp liên kết đưa giá sữa lên sẽ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Làm rõ vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, việc kiểm tra giá sữa đã được triển khai tới chi cục Quản lý thị trường tại các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), cơ quan này đã theo dõi sát giá sữa và nắm rõ số liệu liên quan đến mặt hàng này trong vòng 2 năm qua. “Thị trường sữa Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt, chưa có dấu hiệu phản cạnh tranh nên hiện tại chưa thể kết luận có bao nhiêu doanh nghiệp thỏa thuận tăng giá. Nếu có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra sơ bộ trong vòng 30 ngày. Khi có kết quả, nếu có vi phạm sẽ đề nghị điều tra chính thức trong thời gian 180 ngày…” - ông Nguyễn Phương Nam trả lời.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, với các mặt hàng nhạy cảm như sữa, điện, hay xăng dầu cần phải có một cơ quan kiểm soát  thẩm định giá độc lập để các cơ quan chức năng không thể “đá bóng” trách nhiệm cho nhau. Bên cạnh đó, nếu cơ quan quản lý đã theo dõi sát diễn biến giá cả mặt hàng thiết yếu này  mà vẫn để người tiêu dùng hoài nghi thì cần xem xét lại.