Giá rau tăng từng ngày vì… rét

ANTĐ - Giá rau xanh ở khắp các chợ Hà Nội đã tăng chóng mặt  vì lý do giá rét. Tuy nhiên, giá rau tại ruộng chỉ tăng ở mức độ nhẹ.

Giá rau tại ruộng tăng 1 thì tại chợ tăng 3-4 lần

Nguồn rau vẫn dồi dào

Chị Nguyễn Thị Bích Liên, ở phố Thể Giao cho biết, rét đậm rét hại khiến giá rau xanh tăng chóng mặt. “Hôm cuối tuần vừa rồi, cả nhà làm bữa lẩu mà riêng tiền rau xanh, gia vị đã mất cả trăm nghìn đồng. Vẫn mua ở sạp bán rau quen, nhưng họ giải thích, mưa gió rét thế này, rau lên làm sao được mà không đắt. Mình biết vậy chứ có rõ thực hư thế nào đâu”.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, tại hầu hết các chợ nội thành, giá rau xanh đều tăng mạnh. Như su hào, được bán với giá từ 7.000-10.000 đồng/củ, súp lơ từ 15.000-20.000 đồng/cái. Rau cải các loại tăng lên mức 20.000 đồng/kg, cà chua cũng tăng lên 15.000-17.000 đồng/kg, bắp cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg… Tăng mạnh nhất phải kể đến nhóm rau như rau cần, cải soong vì đây là các loại rau được người tiêu dùng ưa thích trong những ngày đông giá rét. Rau cần hiện được bán với giá từ 7.000-8.000 đồng/bó, tùy chợ, một bó rau cải cúc bé tẹo cũng được bán với giá từ 5.000-6.000 đồng, rau muống từ 7.000-10.000 đồng/bó…

Tuy nhiên, trong khi giá rau xanh tại các chợ nội thành tăng chóng mặt thì giá rau được bà con nông dân bán tại ruộng cũng tăng, nhưng rất nhẹ. Ông Bùi Quốc Hội, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, toàn huyện Mê Linh vụ này gieo trồng khoảng 1.500 ha rau đủ các loại. “Đợt này, giá rau có tăng nhẹ, khoảng 7-10% so với trước. Nhưng, tăng như vậy, bà con có ít lãi thì mới khuyến khích nông dân tiếp tục gieo trồng rau cung cấp cho thị trường Tết sắp tới”. Theo đó, giá rau xanh hiện được bán tại ruộng rất thấp so với giá bán tại các chợ nội thành. Su hào được xuất bán từ 3.000-4.000 đồng/củ, súp lơ từ 4.000-5.000 đồng/cái, rau muống từ 1.500-2.000 đồng/bó, rau cần thời điểm trước là 10.000 đồng/3 bó thì nay tăng lên 5.000 đồng/bó. Chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt cho biết, rét  đậm rét hại khiến chu kỳ sinh trưởng của rau kéo dài hơn rất nhiều. Nếu thời tiết thuận lợi, su hào chỉ cần 35-40 ngày là cho thu hoạch, nhưng với rét này thì phải 60-70 ngày mới thu hoạch được, bắp cải bình thường khoảng 45 ngày thì nay phải 90 ngày. Do đó, giá rau có tăng nhẹ, nhưng không thiếu, rau trên ruộng vẫn rất dồi dào. 

Bất lực trước việc đẩy giá?

“Tôi là người nông dân sản xuất ra bó rau, quả cà chua, nhưng giá chúng tôi xuất bán tại ruộng luôn ở mức bình thường, trồng rau cũng chỉ mang lại thu nhập vừa đủ, chỉ hơn cây lúa, cây ngô một  chút. Còn tại các chợ nội thành, người tiêu dùng chắc chắn phải mua với giá cao hơn rất nhiều, do phải qua nhiều đầu mối, nhiều tư thương. Họ chẳng phải vất vả chịu nắng, rét như chúng tôi nhưng lãi lờ thu về thì gấp đôi, gấp ba”, chị  Quyên phản ánh. Tại cánh đồng trồng rau cải của xã Vân Nội, việc thu hoạch rau vẫn diễn ra bình thường. Song, theo chị Đào Thị Thúy, giá rau cải các loại tăng khoảng 10%  so với thời điểm trước.  Nhưng mức tăng tại các chợ dân sinh như hiện tại chị Thúy cho rằng, quá cao so với sự ảnh hưởng của giá rét.

Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội, rau vụ Đông năm nay, toàn Hà Nội gieo trồng được hơn 13.000 ha rau, do đó, chắc chắn không lo thiếu rau trong những ngày sắp tới. “Giá rét kèm mưa phùn chỉ làm rau tăng trưởng chậm lại mà không gây chết như mưa to. Do vậy, chỉ làm giãn khoảng cách thu hoạch rau mà không gây thiếu rau. Với trời mưa phùn, độ ẩm cao như vậy, chỉ cần có nắng ấm nhẹ lên là các loại rau lại phát triển mạnh trở lại”, ông Hồng nhận định. 

Tuy nhiên, theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, miền Bắc sẽ còn gánh chịu thêm vài đợt rét đậm, rét hại như hiện tại. Trong khi đó, cuối năm là thời điểm sức tiêu thụ mặt hàng rau xanh tăng rõ rệt. Giá rau xanh có nguy cơ bị các tiểu thương tăng giá vô tội vạ với lý do thời tiết như hiện nay. Ai sẽ quản lý, kiểm soát việc tăng giá này để đảm bảo người tiêu dùng không phải trong cảnh mua rau đắt hơn ăn thịt?