Giá rau quả đắt gấp 20 lần so với giá tại ruộng

ANTD.VN - Trong khi giá rau, củ, quả tại các vựa nông sản đang “rẻ như cho”, nông dân kêu cứu, thì tại các đô thị lớn, giá luôn ở mức đắt gấp 10-20 lần so với giá tại ruộng.

Cà chua của nông dân hiện chỉ còn 1.000-3.000 đồng/kg

Nhiều vùng trồng rau, củ, quả của cả nước đang xuất hiện tình trạng giá nông sản rẻ như bèo, bán không có người mua như cà chua ở Hưng Yên, Bắc Ninh; vú sữa  Lò Rèn - đặc sản Tiền Giang... khiến nông dân thiệt hại nặng. Trước đó, quả roi (mận) tại các vựa ở Cần Thơ giá chỉ còn 1.500 -2.000 đồng/kg, nhưng tại thị trường Hà Nội, người dân phải mua với giá 40.000-55.000 đồng/kg, tùy loại. 

Rớt giá thảm hại

Những ngày này, tại vùng trồng cà chua của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, nông dân đang khốn khổ vì giá năm nay giảm mạnh. Chưa năm nào giá cà chua rẻ như vậy, cao nhất chỉ được 3.000 đồng/kg và thời điểm chín rộ chỉ còn 1.000 đồng/kg. Đáng nói, dù giá cà chua đã xuống đáy nhưng để bán được cũng không đơn giản. Trung bình, mỗi sào cà chua, nông dân phải bỏ chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng, chưa kể công lao động. Hiện tại, việc bán cà chua chưa đủ tiền đầu tư chứ chưa nói gì đến lợi nhuận. 

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, người nông dân cho biết, năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi để cây cà chua phát triển, nắng ấm kéo dài, ít mưa, ít rét, do đó cà chua được mùa. Bên cạnh đó, nhiều bà con cũng mở rộng diện tích trồng nên dẫn đến sản lượng gia tăng mạnh gây chênh lệch cung - cầu đẩy giá giảm.

Tương tự, hiện tại, giá quả vú sữa Lò Rèn, 1 trong những đặc sản của Tiền Giang cũng chỉ còn 5.000 đồng/kg. Theo một số nhà vườn chuyên canh vú sữa tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, quả vú sữa giá 5.000 đồng/kg chủ yếu tiêu thụ tại thị trường TP.HCM, còn loại chất lượng nhất, có chỉ dẫn địa lý được đóng gói vận chuyển ra miền Bắc. Đáng nói, năm nay sản lượng giảm mạnh nhưng giá cũng rớt mạnh.

Trước đó, vào tháng 2, giá quả roi (quả mận) tại nhiều nhà vườn ở Cần Thơ rơi xuống mức 1.500-2.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn đã bỏ roi rụng đầy gốc cây vì nếu thêm khoản thuê nhân công hái thì càng lỗ hơn. Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, người dân phải mua với giá 40.000-55.000 đồng/kg. 

Quá nhiều trung gian

Chị Lý Thu Hà, trú tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Mấy hôm nay nghe nói giá cà chua của Hưng Yên, Bắc Ninh giảm chỉ có 1.000-2.000 đồng/kg mà hôm vừa rồi, tôi đi siêu thị mua cà chua vẫn giá hơn 20.000 đồng/kg, như vậy là thương lái đang o ép nông dân, ăn lãi lớn của người tiêu dùng?”.

Thực tế, đúng như chị Hà phản ánh, không chỉ cà chua, rất nhiều nông sản khác, thường ở vùng trồng thì nông dân bán ra giá rất thấp, nhưng tại các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP.HCM… giá đội cao gấp 10-20 lần, thậm chí là hơn.  Có tình trạng này, theo các chuyên gia kinh tế, là do khâu phân phối tại thị trường Việt Nam đang có vấn đề. Do qua nhiều lớp trung gian, giá bị đẩy lên, lợi nhuận lớn tập trung ở khâu này, còn người trực tiếp làm ra sản phẩm thì gần như không có lãi.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khâu liên kết từ sản xuất cho đến phân phối nông sản Việt còn rất kém. “Khâu bán lẻ đang lấy quá nhiều lợi nhuận của người sản xuất như phí đầu kệ, phí “gầm bàn”, chiết khấu… Tất cả những cái đó đang “giết” sản xuất. Phải có sự liên kết giữa sản xuất và phân phối để cả 2 bên cùng thắng”, ông Vũ Vinh Phú bày tỏ. 

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), để giảm khâu trung gian thì điều quan trọng là nhà chế biến, tiêu thụ phải liên kết với nhà sản xuất (nông dân). Nhưng điều đáng buồn ở Việt Nam là cả người dân lẫn nhà tiêu thụ đều chưa sẵn sàng để hợp tác với nhau.

Hệ lụy này bắt nguồn từ khâu quy hoạch nông nghiệp chủ yếu vẫn nằm trên giấy. Không có nhà tiêu thụ nào dám đầu tư tiền cho nông dân để sản xuất một sản phẩm cụ thể trên những vùng đất mà người dân có thể tự do chuyển đổi sang bất cứ loại cây trồng nào...