Dự báo giá một số hàng hoá thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ
Cục Quản lý giá cho biết, thời tiết vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng đối với một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép, đồ uống và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt; nhu cầu giải trí, du lịch và hàng hóa, dịch vụ phục vụ du lịch… có khả năng tăng, gây áp lực lên mặt bằng giá tháng 6.
Tuy nhiên, tháng 6 có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực tăng giá thị trường như giá nhiều hàng hoá nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dự báo có xu hướng giảm nhẹ.
Trong nước, giá một số hàng hoá thiết yếu như xi măng, thép, lương thực, thực phẩm, phân bón… dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; tỷ giá không có biến động lớn, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan... Trên cơ sở đó, Cục Quản lý giá dự báo mặt bằng giá thị trường tháng 6-2013 ổn định so với tháng 5-2013.
Lượng hàng tồn kho gạo, tính đến 16-5-2013 tồn kho tại các doanh nghiệp ước đạt 1,96 triệu tấn. Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam và giá gạo trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu thấp và mức giá gạo rẻ từ các nước như Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.
Do nguồn cung khá lớn trong khi nhu cầu gạo không cao, dự báo giá gạo thế giới và giá thóc, giá gạo trong nước giảm trong tháng này.
Cùng tín hiệu vui như giá gạo, dự báo, trong thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhóm hàng vật liệu xây dựng như thép, xi măng có xu hướng ổn định.
Đối với 2 mặt hàng nhạy cảm của nền kinh tế là xăng dầu và gas, đa số các nhà phân tích đều cho rằng trong ngắn hạn, giá xăng, dầu thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong tháng 6-2013 có thể tiếp tục biến động không nhiều hoặc tăng nhẹ so với tháng 5-2013.Giá gas trên thế giới và trong nước tháng 6-2013 dự kiến sẽ ổn định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 5-2013 giảm 0,06% so với tháng 4-2013. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2013 tăng 2,35% so với tháng 12-2012, thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm giai đoạn từ 2002 đến nay, ngoại trừ năm 2009.