Giả mạo facebook: Có thể bị xử lý hình sự

ANTĐ - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt fanpage trên facebook giả danh người nổi tiếng, doanh nghiệp lớn và thậm chí cả các cơ quan báo chí- truyền thông đã bị phát hiện giả mạo sau khi các cá nhân, tổ chức chính thống lên tiếng. 

Giả mạo facebook: Có thể bị xử lý hình sự ảnh 1

Thông tin khuyến mãi "khủng"  trên fanpage giả mạo Điện máy Xanh

Càng nổi tiếng, càng dễ bị giả mạo fanpage

Cách đây ít ngày, Trung tâm tin tức VTV24 đã lên tiếng về tình trạng xuất hiện nhiều bản sao của fanpage và website VTV24. Thống kê của VTV 24 cho thấy, có đến 200 trang website, fanpage có dấu hiệu "nhái" và giả mạo trang chính thức. Trong đó, các trang mạng bị nhái nhiều nhất có tên Chuyển động 24h và Nói không với thực phẩm bẩn.

Đáng chú ý, một số trang mạng tự xưng là Trung tâm tin tức VTV24 đã đăng tải những nội dung không chính xác, có tính kích động, xuyên tạc và có dấu hiệu lừa đảo đối với người xem. Một số trang còn chứa đựng những hình ảnh khiêu dâm.

Mặc dù đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc lập fanpage giả mạo bị phát hiện gần đây, nhưng việc giả mạo một cơ quan làm công tác tuyên truyền sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, bởi thông tin từ đây được truyền tải, có ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Trước đó, từ tháng 3 đến tháng 5-2016, liên tiếp trên mạng xã hội facebook xuất hiện fanpage của các doanh nghiệp lớn như: Toyota Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Yamaha, Điện máy Xanh (hệ thống của Thế giới di động)… Nội dung chủ yếu của các fanpage này là share thông tin khuyến mãi tặng xe, tặng quà cho khách hàng may mắn.

Fanpage thật của Điện máy Xanh có dấu tích "V" màu xanh ở góc trái

Cũng có không ít người nổi tiếng tại Việt Nam như: hoa hậu Mai Phương Thúy, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, doanh nhân Quốc Cường Gia Lai… dính một phen chao đảo khi bị lập fanpage giả mạo, đưa thông tin sai sự thật.

Có thể bị xử lý hình sự

Quản lý thông tin trên mạng xã hội lâu nay vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Tham gia, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn Luật này đã quy định, nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân…

Tùy theo mức độ vi phạm mà mức độ xử lý khác nhau. Điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định, hành vi giả mạo facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Nếu tính chất hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn như: dùng facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ Luật hình sự, hình phạt tối đa đến 3 năm tù; hoặc “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 Bộ Luật hình sự, hình phạt tối đa đến 7 năm tù.

Vì vậy, các tổ chức, cá nhân khi tham gia, chia sẻ thông tin trên các facebook và các mạng xã hội khác cần thận trọng, kiểm chứng thông tin để vừa bảo vệ mình tránh bị mất thông tin cá nhân, vừa không vi phạm pháp luật.