Giả mạo, ăn chặn tiền từ thiện có thể bị tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày qua, nhiều người dân vô cùng cảm kích trước việc ca sỹ Thủy Tiên cùng nhóm thiện nguyện đã bay đến Huế bắt đầu hành trình cứu trợ bà con vùng lũ ở các tỉnh miền Trung. Được biết, số tiền thiện nguyện ca sỹ này kêu gọi quyên góp được đến nay đã lên tới trên 60 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong quá trình cứu trợ, trên mạng xã hội, ca sỹ này đã đăng tải thông tin về việc phát hiện một người phụ nữ ăn chặn 3 triệu đồng từ thiện từ một đôi vợ chồng già, đồng thời đưa ra lời cảnh báo về việc có kẻ mạo danh ca sỹ Thủy Tiên trên Facebook để kêu gọi từ thiện.

Liên quan đến sự việc này nhiều người đặt câu hỏi “cá nhân có hành vi giả mạo người khác để kêu gọi quyên góp, ăn chặn, trục lợi tiền từ thiện sẽ bị xử lý ra sao”?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong điều kiện tình hình mưa lũ ở miền Trung diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì việc có nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện như ca sỹ Thủy Tiên đã đứng lên kêu gọi, quyên góp trợ giúp đồng thời trực tiếp đến tận nơi khảo sát trao quà cho đồng bào là vô cùng cần thiết, kịp thời và đáng biểu dương.

Trong hoàn cảnh đó, việc một số kẻ lợi dụng hình ảnh của những người đang làm công tác từ thiện để nhằm mục đích trục lợi cần bị lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo quy định.

Tình hình lũ lụt ở miền Trung vẫn diễn biến phức tạp

Tình hình lũ lụt ở miền Trung vẫn diễn biến phức tạp

Về xử lý hành chính, Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi giả mạo, gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 -đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cấu thành vật chất nên buộc phải có thiệt hại về tài sản. Nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản hoặc người bị lừa dối không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm hoàn thành được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho chủ sở hữu tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho mình - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.