Giá lợn hơi tiếp tục tăng cao, yêu cầu địa phương ngăn chặn lợn lậu, lợn bệnh vào Việt Nam

ANTD.VN - Bộ Công Thương vừa chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.

Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao

Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), ngày 9-12, giá lợn hơi đã đạt đến mức cao nhất trong nhiều tháng qua, có địa phương giá bán lên tới 82.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đồng loạt tăng, có nơi lên tới 82.000 đồng/kg, tăng vọt so với tuần trước. Tại Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên giá dao động 80.000 - 81.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, công ty chăn nuôi CP miền Bắc cũng thông báo tăng 2.000 đồng/kg.

“Với đà này, giá lợn có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh tại khu vực trong thời gian tới. Mặc dù vậy, một số địa phương khác như: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình vẫn thu mua trong khoảng 73.000 - 78.000 đồng/kg”- đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Diễn biến giá thịt lợn nêu trên khiến nhiều người dân lo ngại giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ tăng mạnh. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa trong tháng 11 không có biến động lớn.

Hiện đang trong giai đoạn chuyển sang mùa lạnh, nhu cầu hàng hóa thực phẩm tăng phục vụ các ngày lễ, Tết cuối năm; thị trường các sản phẩm may mặc sôi động hơn; nguồn cung các mặt hàng nông thủy sản tốt, giá tương đối ổn định. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, giá có xu hướng tăng dần.

Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân của việc tăng giá nêu trên là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019.

Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định: “Những tháng cuối năm 2019, thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, hàng hóa phong phú, đa dạng. Các mặt hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu giá có xu hướng tăng nhưng không tăng “sốc” do nguồn cung dồi dào”.

Riêng mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT đánh giá mức độ thiếu hụt thịt lợn, có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Sở Công Thương các địa phương đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.