Gia Lai: Nông dân huyện Krông Pa lao đao vì mía cháy

ANTD.VN -Vụ thu hoạch năm nay, nhiều nông dân ở huyện Krông Pa – tỉnh Gia Lai bị thiệt hại nặng nề không chỉ bởi giá mía xuống dốc thảm hại, nhà máy chậm thu mua mà còn do mía bị cháy.

Mía vốn không phải là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây mía mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân các huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa nên nhiều nông dân ở Krông Pa cũng đầu tư sản xuất loại cây trồng này. Đặc biệt, niên vụ 2016-2017, giá mì rơi tự do, người trồng mì lỗ nặng trong khi cây mía vẫn cho thu nhập ổn định khiến nhiều nông dân ở huyện Krông Pa đổ xô phá mì để trồng mía.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, niên vụ 2016-2017, toàn huyện chỉ có khoảng 800 ha mía tập trung ở các xã Ia Rsươm, Ia Rsai, thị trấn Phú Túc… Nhưng đến niên vụ 2017-2018, diện tích mía của huyện đã lên đến gần 1.300 ha. Tuy nhiên, khi bước vào vụ thu hoạch, nông dân nơi đây rất hoang mang vì giá xuống thấp, nhà máy lại chậm thu mua.

Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, cho hay: Cùng thời điểm này năm trước, 100% diện tích mía trên địa bàn huyện đã thu hoạch xong và nông dân đang chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo. Tuy nhiên, năm nay, chỉ có khoảng 70% diện tích mía đã thu hoạch xong, phần còn lại nông dân vẫn đang mòn mỏi đợi nhà máy thu mua.

“Việc thu hoạch chậm khiến nông dân trên địa bàn huyện bị tổn thất khá nặng nề. Riêng trong khâu thu hoạch, các hộ trồng mía phải thuê nhân công nơi khác vì nhân công địa phương không đủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để kéo dài thế này sẽ rất khó thuê nhân công, chưa kể việc chậm trễ tái sản xuất vụ sau sẽ gây thêm nhiều thiệt hại. Vậy nên, theo dự đoán của ngành nông nghiệp huyện, năm nay, diện tích mía sẽ lại giảm xuống. Nhiều hộ dân tuy mới trồng mía 1 năm nhưng đã sẵn sàng phá bỏ để quay lại trồng mì”-ông Duyên cho hay.

Bên cạnh đó, tình trạng mía bị cháy cũng khiến nhiều nông dân ở huyện Krông Pa rơi vào cảnh thua lỗ. Gia đình bà Vũ Thị Năm (tổ dân phố 15, thị trấn Phú Túc) có 2 ha đất thì đều ký hợp đồng với Nhà máy Đường Ayun Pa để nhận đầu tư trồng mía. Ruộng mía của gia đình bà phát triển rất tốt nhưng đến vụ thu hoạch nhà máy vẫn chưa thu mua. Chưa hết nỗi lo mía tụt sản lượng khi vụ thu hoạch đang trôi về cuối thì ngày 29-4 vừa qua, ruộng mía của gia đình bà bỗng dưng bốc cháy.

Bà Năm buồn bã cho biết: “Khi nhận được tin mía cháy ở cánh đồng, gia đình tôi đã hô hào mọi người ra giúp dập lửa nhưng do lá khô, lửa bén nhanh nên 2 ha mía bị thiêu rụi hoàn toàn. Mía cháy teo hết cả cây thế này, sản lượng ước tính tụt giảm gần 50%, lại còn bị trừ tạp chất 20% nữa nên chắc không đủ trả chi phí đầu tư cho nhà máy, phải lấy tiền túi ra trả thôi”.

Gần 2 ha mía của gia đình bà Vũ Thị Năm đã bị thiêu rụi.

Không thiệt hại nặng nề như gia đình bà Năm nhưng hộ ông Đàm Văn Nguyện (thị trấn Phú Túc) cũng có một vụ mía kém vui. “Gia đình tôi thu hoạch được gần 3 ha rồi, còn gần 1 ha nữa thì bị cháy. May mắn dập lửa kịp nên chỉ bị cháy 0,5 ha, thiệt hại khoảng 7 triệu đồng. Năm nay giá mía thấp, nhân công lại cao nên lời lãi không còn bao nhiêu”-ông Nguyện chia sẻ.

Qua trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Xuân Duyên cho biết, niên vụ mía 2017-2018, Phòng NN& PTNT huyện ghi nhận 12 trường hợp mía cháy với tổng diện tích gần 20 ha. Trong số này, chỉ có 2 trường hợp xác định được nguyên nhân do đốt ong cháy lan. Ông Duyên cho hay: “Với những trường hợp mía cháy, huyện cũng đã có văn bản đề nghị nhà máy thu mua sớm cho người dân để giảm thiểu tối đa thiệt hại, đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác hơn bởi mía rất dễ bắt lửa trong điều kiện thời tiết nắng nóng”.