- Vì đâu châu Âu tích trữ đầy khí đốt nhưng giá tiêu dùng vẫn cao?
- Cú sốc năng lượng khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt
Giá khí đốt tăng vọt khiến người tiêu dùng châu Âu lo ngại nhất là khi mùa đông lạnh giá đang ập tới |
Báo động giá khí đốt ở châu Âu
Theo trang tin châu Âu Euronews.com, thị trường khí đốt châu lục này đang chứng kiến một đợt tăng giá đáng báo động. Chỉ số Trung tâm Giao dịch Khí đốt TTF Hà Lan (hay Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan) - một thước đo quan trọng của thị trường khí đốt châu Âu - đã tăng 16% trong tháng 11 này, đạt mức 46 euro/MWh. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10-2023. Chưa dừng lại ở đó, các hợp đồng khí TTF giao tháng 12 tới đã giao dịch ở mức 47 euro/MWh vào ngày 22-11 vừa qua, đánh dấu sự phục hồi đáng kể của giá khí đốt tại châu Âu từ mức thấp nhất trong 3 năm qua vào tháng 2-2024, khi giá lúc đó giảm xuống dưới 25 euro/MWh.
Đợt tăng giá khí đốt nhanh và bất thường hiện nay tại châu Âu được cho là kết quả của nhiều yếu tố tiêu cực cộng hưởng. Theo báo cáo của Quantum Commodity Intelligence, một đợt lạnh bất thường đã tràn vào khu vực Tây Bắc Âu và Đông Bắc Mỹ mới đây đẩy nền nhiệt độ xuống dưới 0 độ C đã khiến nhu cầu sưởi ấm tăng cao đột biến. Cùng lúc đó, sản lượng điện gió suy giảm buộc các nhà máy điện phải chuyển sang sử dụng khí đốt nhiều hơn.
Những yếu tố trên đã khiến mức dự trữ khí đốt của châu Âu giảm xuống dưới 90% công suất và là lần đầu tiên mức dự trữ giảm xuống dưới mức trung bình của 5 năm qua vào năm 2023. Theo Quantum Commodity Intelligence, mặc dù mức dự trữ khí đốt tại châu Âu nói chung vẫn tương đối tốt, nhưng nỗi lo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã làm tăng thêm rủi ro địa chính trị cho giá khí TTF.
Trong khi đó, xung đột quân sự khốc liệt giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp tục phủ bóng lên thị trường năng lượng châu Âu. Việc “ông lớn” năng lượng Gazprom của Nga bất ngờ ngừng cung cấp khí đốt cho Áo vào tuần trước càng làm dấy lên lo ngại về những gián đoạn nghiêm trọng hơn đối với nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Thêm vào đó, thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua đường ống giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2024 cũng đe dọa một tuyến đường quan trọng cung cấp 5% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Nếu không có thỏa thuận mới, các nước Đông và Trung Âu có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong mùa đông tới.
Mặc dù khí đốt qua đường ống của Nga hiện chỉ chiếm 14 tỷ m3 (BCM) mỗi năm trên thị trường châu Âu, tức chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu hàng năm 370 BCM của cựu lục địa. Tuy nhiên, bất kỳ gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể gây áp lực lớn lên các cơ sở hạ tầng của châu Âu trong thời kỳ nhu cầu cao điểm vào mùa đông lạnh giá.
Goldman Sachs dự báo, mùa đông năm nay đang có xu hướng lạnh hơn năm trước khiến nhu cầu sưởi ấm tăng đáng kể. Ngân hàng này ước tính, nhu cầu sưởi ấm có thể tăng 46 triệu m3 khí đốt mỗi ngày so với năm trước, dẫn đến mức dự trữ vào cuối tháng 3-2025 chỉ còn 40% dung lượng, so với 53% vào tháng 3-2024. Vì thế, Goldman Sachs đã điều chỉnh dự báo giá khí TTF vào năm 2025 lên 40 euro/MWh, tăng so với mức dự báo trước đó là 34 euro/MWh. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, trong kịch bản cực đoan nhất - gồm các dự án LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) bị trì hoãn, nhu cầu tại châu Á mạnh hơn dự kiến hoặc thời tiết lạnh hơn bình thường - giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng vọt lên 77 euro/MWh.
Khó “cai” ngay khí đốt của Nga
Đợt tăng giá khi đốt khi mùa đông mới bắt đầu tại châu Âu đang gây ra những lo ngại sâu sắc về tác động nghiêm trọng đối với kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Giá khí đốt cao sẽ làm tăng chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và các ngành công nghiệp, có thể làm suy yếu các nỗ lực phục hồi kinh tế và gây áp lực lạm phát.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu có thể gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tính cạnh tranh so với các đối thủ ở các khu vực có giá năng lượng thấp hơn. Chính phủ các quốc gia châu Âu có thể phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc trợ giá năng lượng hoặc đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường nhiên liệu hóa thạch dễ biến động.
Nhằm bảo vệ huyết mạch năng lượng sống còn, ngay sau khi xung đột quân sự Nga - Ukraine xảy ra tháng 2-2022, châu Âu đã hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, hơn 2 năm rưỡi qua, châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ hệ thống năng lượng của mình. Dù các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đa dạng hóa nguồn cung nhưng nguy cơ gián đoạn và nhu cầu gia tăng do thời tiết mùa đông giá lạnh đẩy giá khí đốt tăng cao.
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga để vận chuyển khí đốt từ Nga vào châu Âu được ký vào năm 2019 sẽ hết hạn cuối năm nay. Trên thực tế, Nga cũng đã cắt giảm phần lớn lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống tới châu Âu từ năm 2022. Tuy nhiên, một số quốc gia như các quốc gia: Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu của Nga.
Châu Âu trong hơn 2 năm qua đã tích cực tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ Mỹ, Trung Đông nhưng lại gặp khó do vận chuyển và giá cao hơn khí đốt mua của Nga. Tất cả các yếu tố đó đã khiến châu Âu tìm cách quay trở lại với năng lượng hạt nhân mà họ từ bỏ. Đến nay, ngoại trừ Đức tuyên bố từ bỏ năng lượng hạt nhân, các nước Pháp, Thụy Điển, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Bulgaria và Romania đều đang tích cực thúc đẩy năng lượng hạt nhân - một nguồn năng lượng nay lại được đề cao.
Lãnh đạo các nước châu Âu nay không còn e ngại phản ứng của dư luận khi cổ vũ cho điện hạt nhân. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tuyên bố, “năng lượng nguyên tử là cần thiết cho tương lai” và “cần kết hợp các nguồn năng lượng một cách cân bằng để cải thiện quá trình chuyển đổi”. Với Italia cũng như các nước thành viên EU, điện hạt nhân không chỉ giúp sớm đạt mục tiêu giảm phát thải mà còn có ý nghĩa chủ quyền năng lượng, giảm lệ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ vẫn phải nhập khẩu.
Vào tháng 5-2023, các nước châu Âu đã cùng Anh đặt mục tiêu xây dựng thêm 30 đến 45 lò phản ứng hạt nhân, đồng thời phát triển mô hình lò phản ứng cỡ nhỏ. Pháp, Anh, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Hungary đã khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, trong khi một loạt quốc gia khác đã công bố kế hoạch cụ thể về việc tái khởi động các dự án điện hạt nhân. Với sự tiến bộ của công nghệ, một lò phản ứng cỡ nhỏ kích thước chỉ bằng 1/10, nhưng công suất tương đương 1/3 lò phản ứng truyền thống.
Thế nhưng, chỉ có điều xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, dù quy mô không lớn, nhưng cần không ít thời gian. Do đó, đảm bảo an ninh năng lượng nói chung, đảm bảo và bình ổn giá khí đốt nói riêng, vẫn là một thách thức với châu Âu.