Giá hàng hóa khó giảm theo giá xăng dầu

ANTĐ - Sau 7 lần giảm giá xăng và 8 lần giảm giá dầu trong nước - mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất, giá các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn đứng yên. Tại sao giá cả thị trường không giảm theo giá xăng dầu?
Giá hàng hóa khó giảm theo giá xăng dầu ảnh 1

Cần giảm bớt trung gian trong khâu phân phối

Hàng hóa ổn định giá

Chị Nguyễn Hương Mai (nhà ở phố Vũ Thạnh) theo dõi rất sát giá cả thị trường cho biết: “Vài tháng nay, giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn giữ giá ổn định”. Chẳng hạn, thịt bò vẫn 270.000 đồng/kg; thịt lợn dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg. Các loại cá, ngao, cua và rau xanh vẫn giữ giá. Tuy nhiên, theo chị Mai giá hàng hóa hiện nay khó giảm. “Mớ rau muống to chỉ 5.000 đồng/mớ, tôi cho rằng khá hợp lý.

Nếu giảm xuống 3.000-4.000 đồng/mớ thì người trồng rau chẳng được là bao. Tương tự, thực phẩm tươi sống cũng khó giảm thêm. Thời điểm này năm ngoái, tôi không dám mua hải sản. Nhưng năm nay, cua biển loại ngon cao nhất chỉ 400.000 đồng/kg, loại trung bình 250.000 đồng/kg” - chị Hương Mai chia sẻ.

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, chi tiêu gia đình hiện nay không chỉ là chi cho bữa ăn, quần áo mà còn nhiều khoản như: học phí, viện phí… “Thịt cá không tăng giá, nhưng viện phí tăng, thuốc chữa bệnh mỗi nơi một giá nên rất tốn kém. Hàng hóa dịch vụ thiết yếu chịu tác động nhiều từ giá xăng dầu cần phải giảm hợp lý để đỡ gánh nặng cho người dân” - chị Nguyễn Thị Thu nói.

Khó giảm giá tiêu dùng

Chị Phạm Thị Thúy (tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Phùng Khoang) cho biết: “Gần 2 năm nay, giá thịt lợn, thịt bò ổn định. Thậm chí, dịp lễ, tết cũng chỉ tăng nhẹ rồi lại về mức cũ ngay. Đây là điều hiếm thấy. Những năm trước, giá các mặt hàng này được điều chỉnh hàng tuần, hàng tháng, theo nguồn cung và nhu cầu. Nay giá nhập hàng đã tăng lên, chúng tôi cũng không dám tăng giá bán lẻ vì sợ ế ẩm”. 

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, mặc dù giá xăng dầu giảm có lợi cho doanh nghiệp, song giá bán lẻ hàng hóa ít cơ hội thấp đi. Vị này giải thích: “Chi phí giá xăng dầu chỉ chiếm 5-10% trong giá thành sản phẩm. Xăng dầu giảm giá, nhưng các khoản thuế, phí và chi phí khác lại tăng. Chúng tôi chỉ lợi thêm một chút khi giá xăng dầu giảm. Vì vậy, nếu giảm giá bán hàng nữa thì cả doanh nghiệp và phía cung ứng nguyên vật liệu đều khó khăn hơn. Có chăng, doanh nghiệp chỉ triển khai khuyến mãi, tặng quà…”. 

Người dân chịu thiệt

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu đang cao một cách bất hợp lý và cần kéo xuống cho bằng giá trị thực. “Nguyên nhân là do quá nhiều trung gian, hệ thống phân phối yếu kém. Thêm vào đó, các khoản thuế, phí ngày càng nhiều, chưa kể chi phí không chính thức tăng, buôn lậu và gian lận thương mại phức tạp nên doanh nghiệp không thể giảm giá. Với thực trạng này, cả người tiêu dùng và người sản xuất đều chịu thiệt” - ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Vì những lý do trên nên có tình trạng, giá hàng hóa trong nước cao hơn hàng xuất khẩu. Ví dụ, cùng một loại gạo, nhưng giá xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là 11.000 đồng/kg, trong khi giá bán trong nước là 14.000 đồng/kg; đường xuất khẩu 11.000-12.000 đồng/kg nhưng bán lẻ tại các siêu thị từ 19.000-20.000 đồng/kg; Quả thanh long ở nơi sản xuất còn phải đổ bỏ nhưng vào siêu thị Hà Nội vẫn 28.000-31.000 đồng/kg. “Từ sản xuất tới tiêu dùng phải đi qua 2-4 “cầu”, làm sao giá hàng hóa có thể giảm. Để đưa hàng vào một số siêu thị, doanh nghiệp cũng phải trích hoa hồng. Tất cả được tính vào giá thành sản phẩm” - ông Vũ Vinh Phú cho hay.

Để giảm giá hàng hóa một cách hợp lý và tăng cường kiểm soát chất lượng, theo vị chuyên gia này phải hình thành chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Ngay ở khâu sản xuất cũng cần có dự trữ để tránh bị ép giá. Không nên chỉ ép giảm ở đầu bán lẻ để có lợi cho người mua, trong khi người sản xuất lại thêm thiệt thòi.