Giá hàng hóa chưa giảm

ANTĐ - Phân tích về diễn biến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của các chuyên gia cho thấy, giá hàng hóa khó giảm trong thời gian sắp tới bất chấp giá xăng đã giảm mạnh. 

Giá hàng hóa chưa giảm  ảnh 1Giá xăng giảm mạnh nhưng một số mặt hàng thiết yếu giá vẫn không giảm
Ảnh: NGỌC TUẤN

Hàng hóa dồi dào

Sở Công Thương Hà Nội dự báo, giá hàng hóa sẽ ổn định trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 do nguồn cung ổn định. Với các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, người dân không phải lo thiếu hàng. Đối với nhóm hàng lương thực, nguồn cung gạo tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam khá dồi dào. Tương tự, nhóm hàng thực phẩm, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất thực phẩm phục vụ Tết và người dân có thể tăng mua nên giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm sẽ nhích lên. Dự báo giá tăng nhẹ cũng được đưa ra với nhóm hàng rau củ. Bởi dù không lo thiếu nguồn cung nhưng mưa, rét có thể ảnh hưởng đến thu hoạch. Như vậy, người tiêu dùng ít có cơ hội mua hàng tiêu dùng thiết yếu với giá thấp hơn dù giá xăng (một trong những yếu tố cấu thành giá hàng hóa) đã giảm hơn 7.000 đồng/lít. 

Lý giải về điều này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, giá xăng chỉ chiếm chưa đến 10% giá thành hàng hóa. Do vậy, không phải cứ giá xăng giảm là giá hàng hóa lùi theo. Tuy nhiên, để cạnh tranh, các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét để đưa ra giá bán hợp lý. 

Trên thực tế, tại các chợ, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang tăng. Chị Vũ Thanh Hà (Đông Anh - Hà Nội) cho hay: “Thực phẩm phục vụ bữa cơm gia đình không có loại nào xuống giá. Thậm chí, một số loại còn tăng nhẹ. Ví dụ, cà chua đã tăng lên mức 15.000 đồng/kg, tuần trước chỉ 8.000-10.000 đồng/kg. Tôm to tăng giá thêm khoảng 15% vì bước vào mùa cưới, tiêu thụ mạnh hơn”. Tại chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), người bán đã tìm “chiêu” để tăng giá nhẹ với mặt hàng thịt lợn. Trước đây, thịt nạc vai được bán đồng giá 85.000 đồng/kg. Về gần Tết, nếu người mua dưới 1kg sẽ phải chịu mức giá bán lẻ là 90.000 đồng/kg. 

Giá xăng đã giảm rõ rệt, nhưng…

Theo chị Vũ Thanh Hà, cơ quan cách nhà chị 18km nên giá xăng giảm mạnh đã giúp chị tiết kiệm được khá nhiều. Trước đây, mỗi lần đổ đầy bình chiếc xe Click sẽ hết 75.000 đồng, giờ chị Thanh Hà tiết kiệm được 25.000 đồng/lần đổ xăng. Mỗi tháng, chị Hà tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng tiền xăng. 

Anh Trần Minh Chí (Hà Đông - Hà Nội) cũng cho biết, với giá xăng hiện tại, mỗi tháng, anh tiết kiệm được khoảng 120.000 đồng. Một tháng đổ xăng 4 lần, mỗi lần anh Chí giảm được 30.000 đồng, từ 100.000 đồng xuống chỉ còn 70.000 đồng là đầy bình.

Tuy nhiên, tác động của việc giảm giá xăng đến giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu lại rất mơ hồ. Chị Vũ Thanh Hà tính toán, bữa cơm cho gia đình 4 người lớn và 1 trẻ em với những món ăn đơn giản vẫn tiêu tốn từ 100.000 - 120.000 đồng/bữa. “Nếu cải thiện, ăn tươi một chút với tôm hay thịt bò thì chi phí còn tăng lên so với trước đây. Tính ra, khoản chi cho bữa cơm gia đình không giảm được đồng nào, dù giá xăng giảm ai cũng kỳ vọng giá thực phẩm sẽ giảm theo” - chị Thanh Hà nói. Thêm vào đó, các hàng hóa tiêu dùng khác như: gia vị nấu bếp, dầu ăn, hóa mỹ phẩm, bột giặt… phải dùng hàng ngày vẫn không có mặt hàng nào giảm giá để bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân. 

Hiện nay, cước một số loại dịch vụ vận tải như xe khách, “xe ôm”… hầu hết vẫn như trước. “Hôm trước, tôi đi “xe ôm” từ Huỳnh Thúc Kháng ra Ngọc Khánh (tắt qua Thành Công), tính ra chỉ gần 3km nhưng ông “xe ôm” vẫn lấy 30.000 đồng. Thắc mắc giá xăng đã giảm, người chở nói: “20.000 đồng lên xe là giá tối thiểu, dù gần thế nào. Đi từ đó đến đây 30.000 đồng là phải rồi”. “Trước thực tế này, cơ quan quản lý cần phải vào cuộc vì lợi ích người dân. Xăng tăng thì giá “té nước theo mưa”, xăng giảm thì giá hàng hóa dịch vụ vẫn trơ trơ”- anh Trần Minh Chí chia sẻ.