Giá hạ, niềm tin tăng

ANTĐ - Việc giá hai mặt hàng được xem là “hàn thử biểu” đối với “sức khoẻ” của nền kinh tế thế giới là dầu mỏ và vàng cùng giảm khá mạnh đã được đón nhận một cách tích cực, nhất là các nền kinh tế vừa và nhỏ.

Giá hạ, niềm tin tăng ảnh 1
Giá dầu cao khiến thế giới phải chi thêm hàng nghìn tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu dầu
Giá vàng và dầu mỏ thế giới đang tiếp tục đà lao dốc. Chốt phiên giao dịch ngày 4-4 tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5-2012 đã giảm tới 2,25 USD xuống 122,34 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng tháng tại thị trường New York (Mỹ) cũng giảm tới 2,54 USD, tương đương 2,4%, xuống còn 101,47 USD/thùng. Đây là những mức giá dầu thấp nhất trên thế giới kể từ ngày 15-2.

Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng có phiên giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng gần 3 tháng trở lại đây. Giá vàng giao tháng 6-2012 trên sàn giao dịch Comex giảm 57,9 USD/ounce, tương ứng 3,5%, xuống còn 1.614,1 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 9-1.

Nhìn vào biểu đồ giá dầu mỏ và vàng trên thị trường thế giới từ đầu năm tới nay có thể thấy giá hai mặt hàng được xem như “hàn thử biểu” đối với nền kinh tế toàn cầu đã có những biến động khá phức tạp, trồi sụt thất thường. Tuy nhiên, xu thế tăng giá nhiều hơn là xu hướng giảm giá bởi còn phản ứng khác nhau trước các biến động chính trị, điểm nóng... trên thế giới cũng như sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, giá cả dầu mỏ và vàng lại tác động khá mạnh và nhạy cảm tới tăng trưởng kinh tế các quốc gia trên thế giới. Chưa nói với tác dụng lan toả của việc tăng giá dầu mỏ tới mặt bằng giá cả nói chung (vì đây là nhiên liệu đầu vào thiết yếu) mà chỉ riêng việc tăng giá của mặt hàng này đã khiến các quốc gia trên thế giới phải móc thêm hầu bao hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thế giới sẽ phải chi khoản tiền kỷ lục 2.000 tỷ USD để nhập khẩu dầu trong năm nay nếu giá dầu thô không giảm, đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới. Trưởng ban kinh tế của IEA, ông Fatih Birol cho biết, chi phí nhập khẩu dầu thô của các nước đã tăng từ 1.700 tỷ USD năm 2008 lên 1.800 tỷ USD năm 2011 và có thể sẽ tăng lên 2.000 tỷ USD trong năm nay nếu dầu cứ giữ mức giá cao trên 120 USD/thùng như tháng 3 vừa qua.

Giá dầu thế giới đứng ở mức cao thời gian qua đã tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước, nhất là các nền kinh tế thuộc loại vừa và nhỏ phải nhập khẩu nhiều loại nhiên liệu này. Tổ chức Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) nhận định, với tốc độ công nghiệp hóa và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng mạnh, sự biến động của giá dầu mỏ thế giới sẽ tác động nhiều đối với khu vực châu Á hơn các khu vực khác.

Do vậy, các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản, đã phải tăng chi phí nhập khẩu dầu thô và dầu mỏ đã chế biến từ 234 tỷ USD năm 2009 lên 329 tỷ USD năm 2010 và đạt mức kỷ lục 447 tỷ USD trong năm 2011. Theo Nomura, giá dầu thô chỉ tăng 1 USD/thùng cũng khiến hóa đơn nhập khẩu dầu thô của châu Á thâm thủng thêm 3,5 tỷ USD/tháng, trong đó các nền kinh tế vừa và nhỏ như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines... phải chịu tác động nặng nề nhất, thậm chí có thể làm tốc độ tăng GDP của mỗi nước này giảm 1% trong năm nay.

Vì thế việc giá dầu giảm mạnh luôn là một tín hiệu vui với kinh tế thế giới, trong đó có các nền kinh tế vừa và nhỏ. Việc giá vàng - nơi trú ẩn của đồng vốn thời buổi khó khăn - giảm cũng phần nào phản ánh niềm tin gia tăng vào sự tăng trưởng.