Giá giấy leo thang, doanh nghiệp ngành in "chóng mặt" (2): Thị trường bất ổn kéo dài đến bao giờ?

ANTD.VN - Diễn biến khó lường của giá giấy từ quý IV-2017 đến nay khiến các doanh nghiệp ngành in đang “đứng ngồi không yên”. Câu hỏi đặt ra là giá mặt hàng này còn leo thang đến bao giờ?
 

Nguồn cung giấy in báo hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu -  Ảnh: LAM THANH

Ngừng sản xuất giấy in báo, phải nhập khẩu 100%

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp ngành in, thị phần của các doanh nghiệp giấy Việt Nam hiện còn khiêm tốn, đặc biệt là với các loại giấy có chất lượng cao. Riêng với giấy in báo, trước đây, trong nước có 2 doanh nghiệp sản xuất nhưng sau đó đã ngừng hoạt động, nguồn cung giấy in báo hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn cho biết: “Giấy in báo của Việt Nam trước đây có chất lượng, giá cả kém cạnh tranh so với giấy nhập ngoại. Mặt giấy không đanh, in hay bị lỗi, hỏng, hư hao lớn. Bên cạnh đó, giấy có nhiều mối nối và cảnh báo về mối nối không chuẩn xác nên khi in hay bị đứt, phải thao tác lại, tốn kém thời gian, công sức, vật tư”. 

Xác nhận thực tế là Việt Nam không còn nhà máy nào sản xuất giấy in báo, ông Lê Quang Anh, Cố vấn Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho hay, do nhu cầu thị trường không đủ để doanh nghiệp tập trung sản xuất nên hiện không còn nhà máy nào sản xuất giấy in báo. “Muốn sản xuất thì phải có thị trường ổn định, bởi lẽ nếu sản xuất xong cung vượt cầu thì làm tăng chi phí, không hiệu quả. Doanh nghiệp thấy có hiệu quả sẽ làm và ngược lại”, ông Lê Quang Anh nói và khẳng định để giấy in báo có giá tốt thì các doanh nghiệp nên tập trung vào một đầu mối để tăng sản lượng, đây là căn cứ để đàm phán với nhà cung cấp để có mức giá tốt hơn. Nếu chỉ mua nhỏ lẻ, cơ hội đàm phán giá rất thấp. 

Đồng quan điểm này, một vị chuyên gia trong ngành giấy cho biết, trước năm 2012, Việt Nam có 2 nhà máy sản xuất giấy in báo là Công ty Cổ phần Giấy Bãi Bằng (BBP, không thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai với tổng công suất 100.000 tấn/năm. “Ở thời điểm đó, nhu cầu giấy in báo của Việt Nam khoảng 70.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ta vẫn nhập khẩu khoảng 40.000 tấn/năm giấy in báo, tức là 2 công ty trên chỉ đáp ứng phần còn lại, khoảng 30.000-40.000 tấn/năm.

Không phải lý do chất lượng, chúng tôi đánh giá chất lượng giấy của Việt Nam ngang bằng với giấy nhập khẩu nhưng vì nhiều mặt ta không cạnh tranh được và phải dừng hoạt động, dây chuyền chuyển sang sản xuất giấy bao bì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây hoàn toàn là do yếu tố thị trường và doanh nghiệp tự tính toán” - vị chuyên gia nói và cho biết những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu hoàn toàn giấy in báo với sản lượng gần 50.000 tấn/năm. Năm 2017, lượng giấy in báo phải nhập là 42.500 tấn, nhu cầu giấy in báo ngày càng giảm. 

“Ngoại trừ nhu cầu giấy in báo tại thị trường Ấn Độ tăng, còn lại các quốc gia khác đều giảm. Mỗi dây chuyền có công suất rất lớn, nếu hoạt động thì sẽ dẫn đến dư thừa, không hiệu quả, nhưng nếu không hoạt động lập tức gây thiếu hụt trên thị trường. Trong bối cảnh nhà máy tại Trung Quốc, Malaysia… đóng cửa, thiếu hụt càng lớn” - chuyên gia ngành giấy cho hay.

Tác động không lớn đến xã hội?

Phân tích về những diễn biến trên thị trường giấy những tháng vừa qua, chuyên gia ngành giấy cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài khiến giá giấy tăng như tác động từ thị trường nước ngoài (Trung Quốc, Malaysia…) còn một số yếu tố trong nước cũng khiến giá giấy tăng, như giá xăng dầu, điện, nguyên vật liệu, chi phí “không chính thức” và nhân công đều đã nhích lên. Vì vậy, giá giấy thành phẩm tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu. 

“Giả thuyết giá giấy tăng chóng mặt sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ tuyên truyền khó xảy ra vì bản chất là quy luật cung - cầu, nguyên tắc thị trường là đồng tiền di chuyển từ nơi có lợi nhuận thấp đến nơi có lợi nhuận cao. Nếu thấy lĩnh vực này có lợi nhuận cao, lập tức sẽ có thêm nhiều người đầu tư và giá thành vì vậy hạ xuống, không có chuyện tăng mãi được. Mặt khác, trong thị trường toàn cầu, không nước nào có thể “chơi xấu” Việt Nam, cắt ngay nguồn cung”.

Ông Lê Quang Anh (Cố vấn Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam)

Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: “Suốt 3 quý đầu năm 2017, giá giấy không hề tăng, thậm chí giảm thảm hại, là thời kỳ “tăm tối” của các doanh nghiệp ngành giấy. Từ cuối 2017 đến nay, giá lúc tăng, lúc giảm. Chúng tôi cũng không hào hứng với việc tăng giảm giá như vậy mà cần thị trường ổn định. Giá giấy vừa rồi tăng do có yếu tố Trung Quốc nhưng mức này cũng mới chỉ bù đắp phần nào thua thiệt ở 3 quý đầu năm 2017. Mọi người lo lắng nhưng chúng tôi thấy diễn biến thị trường như vậy là bình thường. Việc tăng giá cần tiếp tục theo dõi, chưa chắc việc tăng giá sẽ kéo dài vì chính sách của Trung Quốc cũng thường xuyên thay đổi. Nay có thể mua, mai không mua giấy của mình nữa!”.  

Theo đại diện của Hiệp hội, các doanh nghiệp Việt Nam thực ra không xuất nhiều giấy sang Trung Quốc mà vẫn giữ uy tín với các “mối làm ăn” cũ. Họ chỉ xuất phần sản xuất gia tăng thêm, chiếm tối đa 10% sản lượng. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao nên làm loạn thị trường!

Đánh giá về tác động của giá giấy tăng đến xã hội, đại diện Hiệp hội cho rằng, giá sách giáo khoa, vở sẽ không bị lên giá nhiều bởi chi phí nguyên liệu giấy trong các sản phẩm này không cao. Để giữ giá ổn định các mặt hàng này thì cần phải tiết giảm chi phí ở khâu phân phối, phát hành. Theo ông Lê Quang Anh, sau khi thiết lập mặt bằng giá mới, giá giấy sẽ ổn định.

Khẳng định thị trường giấy tại Việt Nam là cạnh tranh và hội nhập, việc tăng giá là theo quy luật cung - cầu, ông Quang Anh cho rằng: “Giả thuyết giá giấy tăng chóng mặt sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ tuyên truyền khó xảy ra vì bản chất là quy luật cung - cầu, nguyên tắc thị trường là đồng tiền di chuyển từ nơi có lợi nhuận thấp đến nơi có lợi nhuận cao. Nếu thấy lĩnh vực này có lợi nhuận cao, lập tức sẽ có thêm nhiều người đầu tư và giá thành vì vậy hạ xuống, không có chuyện tăng mãi được. Mặt khác, trong thị trường toàn cầu, không nước nào có thể “chơi xấu” Việt Nam, cắt ngay nguồn cung”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Mức tăng đáng báo động

Giá giấy leo thang, doanh nghiệp ngành in "chóng mặt" (2): Thị trường bất ổn kéo dài đến bao giờ? ảnh 2

“Có những mặt hàng tăng giá đến 100% nhưng không gây tác động đến mặt hàng khác, còn có những mặt hàng tăng giá nhẹ gây nên phản ứng dây chuyền. Giấy là mặt hàng có tầm quan trọng lớn, phục vụ cho việc in sách, xuất bản báo chí, đặc biệt là phục vụ học tập, văn phòng nên giá giấy tăng sẽ tác động lớn. Giá giấy tăng do nhiều nguyên nhân, có thể cung không tăng nhưng cầu tăng, hoặc cầu duy trì nhưng cung sụt giảm. Với diễn biến hiện nay thì cung sụt giảm dẫn tới tăng giá và mức tăng như hiện nay là đáng báo động. 

Sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường lớn nên nhiều nhà máy đóng cửa, trong bối cảnh đó nếu không có biện pháp thì chắc chắn dẫn đến giá cả tăng, kéo theo những ảnh hưởng đến báo chí, xuất bản và hoạt động của các văn phòng, đặc biệt là vào năm học mới 2018-2019. Quốc hội đề ra kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức 4%, nhưng kết thúc 5 tháng CPI đã là 3,01%, dư địa còn lại của 7 tháng rất ít. Giải pháp để kiềm chế tăng giá có thể là hạ thuế nhập khẩu giấy ở một số thị trường doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu; đồng thời, cần có khuyến nghị nên sử dụng giấy tiết kiệm, tránh lãng phí”. 

Giá giấy leo thang, doanh nghiệp ngành in "chóng mặt" (2): Thị trường bất ổn kéo dài đến bao giờ? ảnh 3

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Cần tìm hiểu doanh nghiệp có “bắt tay” nhau cùng tăng giá

“Giá giấy tăng do nhiều nguyên nhân khách quan như rừng đã bị phá nhiều, trồng mới không kịp, giấy nhập ngoại đắt, nên có xu hướng lên giá. Để kết luận xem các doanh nghiệp giấy có lạm dụng các yếu tố chủ quan và khách quan để “té nước theo mưa” không thì phải xem xét cụ thể. Tuy nhiên, nếu giá tăng quá mức, cần tìm hiểu cả việc các doanh nghiệp có “bắt tay” nhau cùng tăng giá hay không? Ở khía cạnh khác, tôi cho rằng giá giấy tăng cũng giúp hạn chế tiêu dùng giấy, giảm bớt việc in ấn phung phí, gây ô nhiễm môi trường và tập trung nhiều cho phát triển in ấn điện tử, tiết kiệm in văn bản. Ở nước ngoài, việc in ấn cũng ngày càng hạn chế rồi, ta không nên in toàn bằng giấy đẹp xong nhiều sản phẩm không dùng được, phải vứt đi”.

Giá giấy leo thang, doanh nghiệp ngành in "chóng mặt" (2): Thị trường bất ổn kéo dài đến bao giờ? ảnh 4

Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào: Cần có biện pháp điều chỉnh, không để mặc thị trường tự diễn biến

“Thực tế hiện nay, giá các mặt hàng đều tăng chứ không chỉ mặt hàng giấy, làm CPI cao hơn so với 5 năm gần đây. Việc điều chỉnh một số loại giá dịch vụ, vật tư, trong đó có xăng dầu - một mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào, đã gây áp lực cho sản xuất, trong đó có mặt hàng giấy. Chúng ta đang chuẩn bị cho năm học mới nên nhu cầu in ấn, phát hành theo quy luật có xu hướng tăng, đẩy giá giấy nguyên liệu lên. Tuy vậy, giá tăng cao như vậy là đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người dùng, liên quan giáo dục đào tạo, in ấn và cần có biện pháp điều chỉnh. 

Trong bối cảnh này, Tổng Công ty Giấy Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước nên đa dạng hóa sản phẩm. Về nguyên tắc, Việt Nam đã hội nhập, thị trường mở thì ta có thể nhập khẩu những mặt hàng ta không có thế mạnh nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu đãi hơn thì không nên để mặc thị trường. Về lâu dài, chúng ta cũng nên cổ phần hóa những doanh nghiệp Nhà nước để tăng hiệu quả hoạt động”. 

Tổng Công ty Giấy Việt Nam không có biện pháp điều tiết thị trường giấy in báo

Trả lời về vai trò điều tiết thị trường của Tổng Công ty Giấy Việt Nam và liệu Việt Nam có sản xuất giấy in báo để chủ động nguồn cung, vị chuyên gia trong ngành giấy cho hay: “Tổng Công ty giấy chỉ sản xuất giấy in viết, không sản xuất giấy in báo nên trách nhiệm sản xuất giấy in báo “treo ở cổ” Tổng Công ty thì không đúng. Tổng Công ty không có biện pháp để điều tiết thị trường giấy in báo. Giải pháp điều tiết thị trường là của cơ quan quản lý Nhà nước. Về việc doanh nghiệp sản xuất giấy in báo, nên bỏ quan điểm cái gì cũng sản xuất để dùng, mà mình chỉ sản xuất cái gì mình giỏi nhất và mình mua cái họ làm giỏi hơn mình. Việt Nam sản xuất máy bay sẽ không ai mua nhưng Mỹ sản xuất giấy vàng mã thì bán cho ai? Ngành giấy Việt Nam sản xuất, đáp ứng đầy đủ những thứ người Việt Nam cần dùng nhất, còn những thứ mình cần nhưng lượng chưa đủ để đầu tư thì mình nhập khẩu chứ cố sản xuất thì chi phí cao”.