Giá giấy leo thang, doanh nghiệp ngành in "chóng mặt" (1): Diễn biến bất thường trên thị trường giấy

ANTD.VN - Từ quý IV-2017 đến nay, giá các loại giấy tại thị trường Việt Nam đã tăng tối thiểu từ 2,2 triệu đồng/tấn đến 2,7 triệu đồng/tấn. Giá giấy tăng dồn dập gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp in ấn cũng như giá các ấn phẩm in như báo chí, sách vở, bao bì… Dư luận đặt dấu hỏi liệu có “bàn tay” thao túng thị trường giấy, gây ra những biến động nêu trên? 
 

Các doanh nghiệp ngành in thực sự lúng túng với diễn biến tăng giá giấy

Giá giấy đồng loạt tăng mạnh

Trong công văn mới đây gửi Công ty TNHH In Báo Hànộimới, nhà cung cấp giấy là Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại P.P cho biết: “Sẽ tạm thời tăng giá các mặt hàng giấy in báo 850.000 đồng/tấn (chưa có thuế VAT) từ ngày 1-4-2018. Từ ngày 1-5-2018, sẽ tiếp tục tăng thêm 1.450.000 đồng/tấn”.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, giá giấy in báo đã tăng thêm 2,3 triệu đồng/tấn và vẫn bỏ ngỏ khả năng tiếp tục tăng giá. Đây là mức tăng rất cao của mặt hàng này trong những năm gần đây. Theo nhà phân phối này, việc tăng giá là theo thông báo của nhà sản xuất và đã “chia sẻ một phần tổn thất do tăng giá đột ngột của phía nhà sản xuất với quý công ty (nhà in - PV)”- công văn nêu rõ. 

Trong bối cảnh báo in gặp nhiều khó khăn về thị phần do cạnh tranh khốc liệt với báo điện tử và thông tin không chính thống từ mạng xã hội, việc tăng giá giấy có tác động tiêu cực đến sản phẩm báo in, nhất là áp lực tăng giá bán báo. Thậm chí, lãnh đạo một nhà in còn lo lắng: “Giá giấy tăng cao, nguồn cung khan hiếm, nếu một ngày chúng tôi không nhập được giấy để in báo hoặc nhập chậm, in chậm thì nhiệm vụ tuyên truyền sẽ thực hiện như thế nào?”.

Các doanh nghiệp ngành in thực sự lúng túng với diễn biến tăng giá nói trên và tự đặt câu hỏi vì sao Việt Nam không chủ động được nguồn cung cấp giấy in báo và vai trò điều tiết thị trường của Tổng Công ty Giấy Việt Nam ở đâu?

Những diễn biến bất thường trên thị trường giấy không chỉ xảy ra với một mặt hàng là giấy in báo mà còn ảnh hưởng đối với cả giấy in viết. Được biết, giá giấy in viết Bãi Bằng của Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã tăng liên tục 2 lần từ ngày 1-1-2018 và luôn trong tình trạng khan hiếm, không đặt được hàng. Cụ thể, từ cuối năm 2017 đến nay, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã 3 lần gửi thông báo tăng giá giấy cuộn, với mức tăng dao động từ 2,2-2,7 triệu đồng/tấn, tùy loại giấy. Việc này tạo nên những lo ngại về việc tăng giá sách, vở, tài liệu tham khảo và nhiều sản phẩm bao bì, in ấn khác trong khi các doanh nghiệp và cả xã hội đang chuẩn bị cho năm học mới.

“Không chỉ giá giấy không ổn định, diễn biến khó lường mà nguồn cung giấy những tháng qua cũng rất phập phù, có biểu hiện khan hiếm khiến các doanh nghiệp in luôn thấp thỏm”.

Ông Đào Trọng Nghĩa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH In Báo Hànộimới)

Trên thực tế, trong những tháng qua, một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã nhận được đề nghị tăng giá sản phẩm. Đầu tháng 5 vừa qua, một số báo in trên địa bàn Hà Nội đã nhận được văn bản đề nghị tăng giá giấy in. Theo đó, giá giấy in chuyên đề cuối tuần tăng thêm 230 đồng/cuốn, riêng giá giấy in bìa tăng 45 đồng/tờ bìa (tương đương 2 triệu đồng/tấn), giấy in trang ruột tăng 185 đồng/cuốn (tương đương 2,1 triệu đồng/tấn), chưa bao gồm VAT. Tương tự, đại diện một nhà in cũng cho biết họ liên tục nhận được đề nghị tăng giá giấy in sách trong thời gian qua.

Khan hiếm nên giá tăng?

Giải thích về đề nghị tăng giá nêu trên, ông Đào Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH In Báo Hànộimới cho hay, không chỉ giá giấy không ổn định, diễn biến khó lường mà nguồn cung giấy những tháng qua cũng rất phập phù, có biểu hiện khan hiếm khiến các doanh nghiệp in luôn thấp thỏm. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, các nhà máy sản xuất giấy của Việt Nam hiện đều áp dụng công nghệ hiện đại. Đến cuối năm 2018, dự kiến 49% năng lực sản xuất của ngành giấy Việt Nam sẽ thuộc loại hiện đại nhất thế giới, trong đó có một máy sản xuất trên thế giới mới chỉ có 2 chiếc, một chiếc tại Đức và 1 chiếc tại nhà máy ở Bình Dương (Việt Nam). Tuy nhiên, tất cả các nhà máy giấy của Việt Nam chỉ sản xuất giấy in viết, giấy làm bao bì mà không sản xuất giấy in báo.

Nguồn cung giấy in báo cho Việt Nam chủ yếu từ Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam được ưu đãi 0%, vận tải thuận lợi. Song gần đây, một nhà máy giấy hiện đại của Malaysia có công suất 200.000 tấn/năm đã đóng cửa nên nguồn cung giảm mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có đóng cửa các nhà máy sản xuất giấy nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường tạo nên sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung giấy và bột giấy tại thị trường khổng lồ này. Hệ quả, Trung Quốc ồ ạt thu mua giấy từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến nguồn cung thiếu hụt, giá cả liên tục tăng cao. 

Để đối phó với tình trạng này, doanh nghiệp ngành in Việt Nam đang tìm kiếm nguồn nhập khẩu giấy khác từ Nga, song do thuế, phí, khoảng cách địa lý nên chi phí khá cao, giá thành sản phẩm chưa thể “hạ nhiệt”.

(Còn nữa)