![]() |
Giá gạo trong nước cao hơn giá gạo xuất khẩu |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 17-2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn.
Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ đa số trên 400 USD/tấn. Như vậy, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu, gồm Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan.
Diễn biến giá gạo các tháng đầu năm 2025 trái ngược với năm ngoái, khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, giá gạo Việt Nam đứng ở mức cao nhất thế giới. Tuy nhiên, ngay sau khi Ấn Độ cho xuất khẩu gạo trở lại, giá gạo trên thị trường đã đảo chiều.
Tuy nhiên, trái ngược với giá gạo xuất khẩu, giá gạo trong nước vẫn đứng ở mức cao. Tại Hà Nội, giá gạo lài Nhật ở mức 22.000 đồng/kg, gạo tám Điện Biên 19.000 đồng/kg, gạo tám Thái 20.000 đồng/kg.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, giá gạo nở giữ mức 17.000 đồng/kg, gạo thơm Mỹ 19.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa dao động 23.000 - 24.000 đồng/kg, gần như không đổi so với đỉnh giá năm ngoái.
Trước việc người dân “bán dạo” gạo trên vỉa hè tại một số tỉnh, các chuyên gia nhìn nhận, đây là cơ hội để người dân tiếp cận gạo giá rẻ, trong lúc giá bán lẻ trên thị trường vẫn neo cao. Tuy nhiên, việc này không làm ảnh hưởng đến thị trường vì số lượng không nhiều.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng cho biết, gạo xuất khẩu giảm nhưng giá gạo trong nước không giảm do khâu trung gian khống chế giá. Bên cạnh đó, thông thường phải 2-3 tháng giá gạo nội địa mới hạ theo đà của thị trường xuất khẩu.
“Đây là do yếu tố thị trường, nhà nước không điều tiết được việc này”- vị chuyên gia cho hay.
Các doanh nghiệp gạo cũng cho biết thêm, các chi phí liên quan như vận chuyển, lưu kho, nhân công đều tăng khiến giá gạo bán ra thị trường khó giảm nhanh. Bên cạnh đó, hao hụt trong quá trình bảo quản cũng là yếu tố khiến nhiều cửa hàng phải giữ giá.
Trong khi đó, tại các siêu thị, hợp đồng cung ứng gạo giữa siêu thị và nhà phân phối thường dài hạn nên việc điều chỉnh giá bán lẻ có độ trễ.
Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 của Bộ NN&PTNT gửi Bộ Công Thương, ước sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.
Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn như: tháng 2, 3, 4, 7, 8 và tháng 9 trong năm 2025; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.