Gia đình bé gái người Việt bị sát hại tại Nhật Bản xin chữ ký: Chuyên gia pháp lý người Nhật nói gì?

ANTD.VN - Trong những ngày qua, sự việc gia đình của bé gái người Việt Nam bị xâm hại và sát hại tại Nhật Bản xin chữ ký cộng đồng đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Rất nhiều người ủng hộ, song không phải ai cũng hiểu cặn kẽ vấn đề. PV Báo ANTĐ đã trao đổi với ông Fushihara Hirota, chuyên gia pháp lý người Nhật Bản, để mang tới góc nhìn rõ ràng, cụ thể.

Tại nhiều quán café, quán ăn ở Hà Nội, chúng ta có thể bắt gặp tờ giấy xin chữ ký của cộng đồng, để lên tiếng về vụ sát hại dã man bé gái Lê Thị Nhật Linh tại Nhật Bản. Tuy nhiên, khi được PV Báo ANTĐ hỏi chuyện, hầu hết các chủ quán đặt tờ giấy này, cũng như người dân, đều chưa hiểu cặn kẽ về mục đích và khả năng tác động của các chữ ký tới quá trình xét xử bị cáo Yasumasa Shibuya ở Nhật Bản.

Bị cáo im lặng, hay các bản chữ ký… ảnh hưởng gì tới việc mở phiên tòa xét xử công khai?

Trong các nội dung kêu gọi xin chữ ký được lan truyền trên mạng xã hội Facebook, có nhiều thông tin chưa chính xác về quy trình xét xử của Nhật Bản, như cho rằng “bị cáo Yasumasa Shibuya đang giữ im lặng nên theo luật pháp Nhật Bản, tòa án chưa thể kết tội”, do vậy, lời kêu gọi đề nghị mọi người ký tên nhằm thúc đẩy việc xử án bị cáo này. Hay các chữ ký sẽ khiến cho thẩm phán áp dụng hình phạt nặng nhất cho bị cáo…

Bố nạn nhân không quản thời tiết khó khăn, đứng xin chữ ký tại ga tàu ở Nhật Bản

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, ông Fushihara Hirota, một chuyên gia pháp lý người Nhật Bản, đã giải thích cụ thể về những vấn đề trên.

Theo đó, ông Fushihara khẳng định, hãy “gạt yếu tố bị cáo giữ im lặng” sang một bên, bởi đây không phải điều quá đặc biệt làm trì hoãn việc xét xử công khai.

“Cần phải hiểu rằng, hiện nay, thủ tục tố tụng đang diễn ra, coi như vụ án đang được xem xét rồi. Đừng hiểu nhầm rằng có phiên tòa công khai thì mới là bắt đầu xét xử. Hiện giờ, các bên liên quan đang ở trong giai đoạn chuẩn bị các chứng cứ để mang ra phiên xử công khai: Những chứng cứ đã rõ ràng, không có sự bất đồng, thì không cần xem xét lại ở phiên xử công khai; ngược lại, chứng cứ hay luận điểm pháp lý nào cần được xem xét và tranh luận thì sẽ được kiểm tra lại tại phiên tòa công khai. Nên hiểu thời gian hiện nay là để thực hiện các công việc đó”, chuyên gia pháp lý Fushihara bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Fushihara cũng chia sẻ thêm, rằng ở những vụ án đơn giản, khoảng thời gian chuẩn bị nói trên rất ngắn, chỉ từ 2 tuần tới 1 tháng sau khi viện kiểm sát (VKS) truy tố là có thể xét xử công khai. Song ngược lại, đối với những vụ án phức tạp, thời gian này có thể lên tới 1 năm. Điều đó có nghĩa là các chữ ký sẽ không thể tác động tới việc đưa bị cáo ra xét xử công khai sớm hay muộn.

Đối với băn khoăn liệu danh sách các chữ ký có thể tác động gì tới phán quyết của tòa án, ông Fushihara chỉ rõ: Bị cáo hiện đang phải đối mặt với một số cáo buộc, trong đó có cáo buộc “Giết người”.

“Các cáo buộc khác một khi bị buộc tội sẽ không dẫn tới mức án tử hình. Pháp luật Nhật Bản có 3 mức án dành cho tội ‘Giết người’: Tù 5 năm trở lên, hoặc tù không thời hạn, hoặc tử hình”, ông Fushihara phân tích.

Theo chuyên gia pháp lý này, thẩm phán sẽ đưa ra phán xét dựa trên đánh giá tổng hợp của rất nhiều yếu tố liên quan (các yếu tố tăng – giảm mức độ nghiêm trọng của hành vi, và những yếu tố khác). Do vậy, có thể xem danh sách các chữ ký là một trong những tư liệu, yếu tố để thẩm phán xem xét cho phán quyết cuối cùng.

Chuyên gia pháp lý Fushihara Hirota

“Tại Nhật Bản, có nhiều gia đình nạn nhân của tội giết người cũng đã tổ chức kêu gọi người dân ký tên ủng hộ mong muốn của gia đình nạn nhân. Xã hội Nhật Bản coi đây là một việc làm chính đáng”, ông Fushihara bày tỏ.

Tuy nhiên, có một án lệ tại Nhật Bản và thực tiễn xét xử sau đó cho thấy số lượng nạn nhân bị giết hại là một yếu tố quan trọng, cho việc tòa án xem xét phán quyết tử hình tội phạm hay không. Do vậy, có thể hiểu được nỗ lực của gia đình bé Nhật Linh.

Tại sao lại là 50.000 chữ ký, và nếu “ký giả mạo” thì sao?

Trong buổi phỏng vấn chuyên gia pháp lý Fushihara Hirota, PV Báo ANTĐ cũng đặt ra 2 vấn đề khác liên quan: Con số 50.000 chữ ký có ý nghĩa gì không, bởi nếu là 30.000, 40.000 hay 100.000 chữ ký thì có gì khác biệt? Và trong trường hợp có những chữ ký bị trùng lặp (vô tình hoặc cố ý), phía cơ quan chức năng Nhật Bản có xem xét, thẩm định gì hay không?

Trả lời về những băn khoăn trên, ông Fushihara cho rằng, con số 50.000 chữ ký đó nếu do gia đình nạn nhân nêu ra thì có thể xem là “mục tiêu tinh thần” của gia đình, bởi khi đã hiểu rằng các chữ ký không thể thúc đẩy phiên tòa xét xử công khai diễn ra nhanh hơn, không thể tác động tới quyết định “bị cáo có tội hay không”, mà chỉ là yếu tố để xem xét tổng thể cho phán quyết cuối cùng, thì bất kỳ con số nào cũng đều chỉ có tính chất tương đối.

“Tuy nhiên, nếu có càng nhiều chữ ký thì càng tốt, bởi khi đó, yếu tố quan tâm, ủng hộ của xã hội sẽ đậm hơn”, ông Fushihara bày tỏ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia pháp lý trên cũng cho biết, “thẩm phán sẽ xem các bản chữ ký tại phiên tòa, theo cách mà thẩm phán nghĩ rằng hợp lý”. Việc có chữ ký trùng (dù vô tình hay cố ý) là điều khó tránh khỏi, và quan trọng nhất trong trường hợp này là có nhiều người đã tham gia ký tự nguyện.

“Số lượng các chữ ký sẽ nằm trong xem xét hợp lý của thẩm phán. Hiểu thế là đủ. Giả sử trường hợp lấy được 300.000 chữ ký, mà kiểm tra kỹ lưỡng ra, có 250.000 chữ ký thực, thì cũng không hẳn là vấn đề thực chất”, ông Fushihara chia sẻ.

Ngoài ra, chuyên gia pháp lý trên cũng khẳng định, không thể nói đơn giản là “chữ ký của người Nhật thì giá trị hơn chữ ký của người Việt”, dù đây là phiên xử tại Nhật Bản, vì nạn nhân là người Việt Nam, nên việc có những chữ ký của người Việt Nam cũng thể hiện yếu tố xã hội nói chung.

Những thông tin nói trên phần nào đã làm sáng tỏ hơn một số khía cạnh xung quanh sự việc gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký của cộng đồng.