Giá điện tăng vọt: Các doanh nghiệp thích ứng ra sao?

ANTD.VN - So với mức tăng 6,08% của đợt điều chỉnh lần tăng giá điện gần nhất của EVN vào năm 2017, lần này, mức tăng giá điện được điều chỉnh cao hơn lên mức 8,36%. Thông tin giá điện sẽ tăng khiến không ít doanh nghiệp sản xuất “sốc” và lo lắng khi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến giá bán tăng theo.

Giá điện sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới - Ảnh: THANH HƯƠNG

Với quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện tăng thêm 8,36%, giá bán lẻ điện bình quân đã được chính thức điều chỉnh tăng lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Theo đó, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3 sẽ làm CPI tăng 0,29-0,31%, khiến CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng này vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp có những giải pháp để hạn chế thấp nhất tác động của mức giá điện mới. Hầu hết, các công ty sẽ sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ thấp điểm, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế nguồn nhiệt bên ngoài xâm nhập nhà xưởng.

Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam cho biết, việc tăng giá điện rất ảnh hưởng đến ngành thép. “Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp trong giá thành sản phẩm thép mà còn ảnh hưởng gián tiếp do tác động lên giá của cả vật tư nguyên liệu và dịch vụ từ các nhà cung cấp. Mỗi tấn thép công nghệ lò điện dùng hết khoảng 520kw. Nếu giá điện tăng thêm 8,36%, giá thành sản xuất phôi thép sẽ tăng lên khoảng 0,6%/tấn so với trước.

Không chỉ ngành sản xuất chịu ảnh hưởng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng cũng... kêu trời trước  tác động giá điện sẽ đến. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Coop Mart Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ, lượng điện tiêu thụ trong siêu thị lớn bao gồm các hệ thống làm lạnh, bảo quản đồ ăn, hệ thống điều hoà trên mặt bằng rộng toàn siêu thị. Hệ thống bảo quản đồ ăn theo đúng tiêu chuẩn nhiệt độ dù mùa đông hay mùa hè. Trước đây, trung bình, một tháng, siêu thị tốn khoảng 600 triệu tiền điện. Nay, điện áp theo khung giá mới, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm vài chục triệu đồng.

Đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí về điện., nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động các giải pháp để ứng phó với giá điện tăng thông qua việc tiết kiệm điện, đầu tư nguồn điện mặt trời áp mái nhằm hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp một cách bền vững. nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất của đơn vị rất lớn. Bởi vậy, sự điều chỉnh tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trước mắt, việc tăng giá thành chưa được đơn vị tính đến mà sẽ tính toán điều chỉnh thời gian sử dụng điện hợp lý.

Việc điều chỉnh giá điện chắc chắn sẽ tác động đến các ngành sản xuất bởi điện công nghiệp hiện chiếm khoảng 50% sản lượng điện. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Công Thương, với hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất, với mức tăng 8,36%, bình quân mỗi hộ phải trả 12,39 triệu đồng/tháng, tăng 869.000 đồng/tháng (trong điều kiện vẫn sử dụng lượng điện tương đương năm 2018). Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không bất ngờ với lần tăng giá này bởi các thông tin tăng giá điện đã rục rịch từ cuối năm 2018 và doanh nghiệp nắm bắt để tính toán phương án sản xuất.

Hiện cả nước có khoảng 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tính theo 6 bậc thang.

Ảnh minh họa 

 Theo đó, với bậc 1, khách hàng sử dụng dưới 50kwh, giá điện sẽ tăng khoảng 8,3% (khoảng 7.000 đồng/tháng). Bậc 2 (từ 50 đến 100 kWh), khách hàng phải trả thêm hàng tháng khoảng 14.000 đồng (tăng khoảng 8,4%).

Với bậc 3 (sử dụng dưới 200 kWh), khách trả thêm 31.600 đồng; khách hàng sử dụng đến 300kWh/tháng (bậc 4) sẽ tăng chi phí 53.100 đồng/tháng, đến 400 kWh (bậc 5) sẽ trả thêm 77.200 đồng/tháng.

Trong số 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, khách hàng sử dụng điện dưới 100 kWh chiếm 35,8% (khoảng 9,22 triệu hộ); hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên  400 kWh chiếm khoảng 7%.

Việc tính giá điện bậc thang là cần thiết. Các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ 50.340 đồng/tháng. Hiện cả nước có đến 2,11 triệu hộ nghèo và gia đình chính sách, mỗi năm Chính phủ chi 1.274 tỷ đồng hỗ trợ giá điện cho các khách hàng này. Còn với hộ không phải nghèo hay chính sách mà sử dụng điện thấp, giá điện cũng chỉ tính bằng 90-93% giá điện bình quân

Giá điện tăng cao vào cuối tháng 3 không những làm các doanh nghiệp lo lắng mà còn khiến cho người dân chật vật, đặc biệt là những người thuê nhà trọ, bởi họ đang phải trả theo giá điện kinh doanh. Ðó là chưa kể các dịch vụ ăn theo giá điện cũng nhấp nhổm tăng.