Giá điện, giá xăng dầu và những câu hỏi dành cho Bộ Công thương

ANTĐ - Theo dự kiến, ngày 1-4-2014, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ trả lời chất vấn trước UBTV Quốc hội về những vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề quản lý giá xăng dầu, điện. Không chỉ các đại biểu Quốc hội mới quan tâm đến những vấn đề này, mà dư luận cũng quan tâm và có thể nói không người dân nào không băn khoăn về hai chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của mỗi người này. 

Giá xăng tăng một cách không lý giải nổi, tăng ngay cả khi giá dầu thô thế giới đang xuống và các quan chức Bộ Tài chính khẳng định không tăng giá. Giá điện tăng đều đều với lý do ngành điện thu không đủ bù chi, vì giá than tăng, vì giá dầu tăng và cần vốn phát triển ngành điện… nhưng kết cục cuối năm thì ngành điện công bố lãi lớn. Làm sao không băn khoăn được khi cứ mỗi cuối tháng, cầm cái hóa đơn tiền điện mà thót cả tim lại vì dự toán chi tiêu gia đình sẽ phải điều chỉnh, những đứa trẻ sẽ phải bớt đi khẩu phần dành cho ngành điện công bố lãi, dành cho ngành điện dùng tiền điện xây dựng những công trình giải trí cao cấp, dùng tiền điện cho vay vòng quanh để kiếm lợi và đem tiền mua điện của nước ngoài giá cao vời, trong khi bóp chết những nhà máy nhỏ không do ngành điện quản lý. Không băn khoăn sao được, khi bình xăng mỗi ngày một vơi đi vì giá, để mỗi người phải tính toán khi chạy xe ra đường. Có buồn không có những người phải bớt về thăm mẹ già chỉ vì giá xăng lên và không thể đủ thu nhập để duy trì đời sống thường nhật. Với tư cách là đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Công thương đã làm gì và còn phải làm gì để lấy lại lòng tin của dân. Phải dùng chữ lấy lại, bởi lòng tin này thật sự đã bị xói mòn.

Tại sao không thể cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu?

Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ra ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với định hướng trả kinh doanh xăng dầu cho thị trường, tạo ra một thị trường xăng dầu cạnh tranh đồng thời không để giá xăng dầu gây biến động thị trường, đã lộ ra nhiều bất cập. Cho đến nay, giá xăng trong nước đã cao hơn giá xăng bán lẻ tại Mỹ và ở Việt Nam chưa hề có một thị trường xăng dầu cạnh tranh. Và hy vọng cho một thị trường xăng dầu minh bạch càng xa vời. Toàn bộ thị trường xăng dầu vẫn nằm trong tay một nhóm doanh nghiệp có đủ cơ sở hạ tầng, có đủ sức mạnh thị trường để bắt các cơ quan quản lý phải chạy theo. Bằng chứng là đã hơn một lần các quan chức quản lý vừa tuyên bố chưa tăng giá xăng dầu, có khi lời tuyên bố chưa tắt tiếng vọng thì giá xăng dầu đã tăng. Các công bố chính sách cho thấy giá xăng dầu có căn cứ lớn là giá xăng dầu thế giới. Lạ lùng thay, giá xăng dầu thế giới trong năm qua tăng giảm liên tục, nhưng không tăng, nếu tính trung bình, nhưng giá xăng dầu nước ta thì cứ tăng, đạt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Thêm nữa, một thị trường cạnh tranh kiểu gì mà hễ tăng giá thì từ hang cùng ngõ hẻm, cửa hàng của mọi doanh nghiệp đồng thời cùng tăng với mức giá giống nhau, thời điểm như nhau, không chênh lệch một phút. Một chuyên gia kinh tế đã nói thẳng trong một hội thảo rằng giá xăng dầu đang là con tin của một nhóm lợi ích. Nhận định ấy có cơ sở.

Hiện nay, Bộ Công thương cùng các cơ quan hữu quan đang soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Dự thảo này đã được chuẩn bị và đang được xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Rất tiếc, dự thảo lần này về cơ bản và tổng thể không có nhiều chỉnh sửa lớn về nguyên tắc và nội dung quy định so với các dự thảo trước và so với nguyên gốc Nghị định hiện hành, nên mức độ hoàn thiện không cao và chưa thể góp phần giải quyết triệt để những bức xúc về quản lý và kinh doanh xăng dầu mà dư luận đã, đang và sẽ còn phản ánh. Vấn đề là xăng dầu với mức giá này, đã gần tương đương với các nước có cùng trình độ kinh tế như chúng ta, vậy làm sao có thể xây dựng được một thị trường xăng dầu cạnh tranh và minh bạch để những doanh nghiệp muốn tăng thị phần sẽ tìm mọi cách giảm giá, giữ uy tín với khách hàng. Bao giờ có thị trường xăng dầu cạnh tranh một cách minh bạch? Đó là câu hỏi mà dư luận đang chờ đợi để có được câu trả lời.

Giá điện phụ thuộc vào đâu? 

Theo lãnh đạo các nhà máy điện và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá nhiên liệu, bao gồm giá xăng dầu khí đốt và than chiếm 50% chi phí sản xuất điện và là yếu tố chính chi phối giá điện, trong đó giá than là quan trọng nhất, bởi xét về tỷ lệ, công suất của các nhà máy nhiệt điện chạy than vẫn đang chiếm 60% tổng công suất nguồn của các nhà máy điện Việt Nam. Lý do chính để giá điện tăng liên tục trong thời gian qua do hai yếu tố: Giá nhiên liệu và vốn đầu tư của ngành điện. Lý do quá chính đáng. Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta lại thấy có vẻ không như vậy. Để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định và giá cả ổn định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013-2018 (ký ngày 26-2-2013). Đã ký thỏa thuận rồi, nhưng ông này vẫn kêu ông kia với mục đích được tăng giá. Và trong năm 2013, than cho điện đã hai lần tăng giá và đến 1-1-2014, theo chính Vinacomin, than bán cho ngành điện đã có lãi. Còn xăng dầu và khí đốt thì giá bán cho ngành điện theo giá thị trường đã được áp dụng từ lâu. Trong khi theo quy định hiện hành, giá điện chịu tác động bởi ba yếu tố chính là cơ cấu nguồn điện, giá nhiên liệu đầu vào và tỷ giá. Trong 3 yếu tố này, chỉ có tỷ giá nằm ngoài tầm với của 3 tập đoàn nói trên. Vậy phải chăng giá điện đang là con tin của chính cái thỏa thuận giữa 3 tập đoàn Nhà nước này? Rất khó nói, chỉ biết chắc, theo đúng công bố của các tập đoàn, cả 3 tập đoàn này đang có lãi, thậm chí lãi lớn, nhưng giá điện sẽ vẫn tăng(!)

Còn cái lý do tăng giá điện do nhu cầu vốn đầu tư của ngành điện thì lý do này đã đổ từ lâu khi thanh tra và cả dư luận nữa phát hiện ra các khoản đầu tư ngoài ngành, các khoản tiền thừa ế cho vay vòng quanh để lấy lãi, các khoản đầu tư xây dựng những công trình giải trí cao cấp không làm ra một giọt điện nào hoặc phục vụ cho tải điện đi đâu cả. Thêm nữa, người dân càng đau xót hơn khi biết rằng đã có nhiều thời điểm, EVN không mua điện từ nhà máy điện của các doanh nghiệp không nằm trong EVN là để mua điện của Trung Quốc với giá cao ngất(!)

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân, giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định. Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong năm tài chính, giá bán điện bình quân được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch. Các thông số đầu vào khác của giá bán điện bình quân chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo trình tự quy định. Nghĩa là với dự thảo này, chúng ta có hy vọng cho một giá điện ổn định hàng năm. Tuy vậy, hy vọng cũng vẫn chỉ là hy vọng nếu không có một thị trường điện cạnh tranh và minh bạch.