Giá đắt phải trả cho việc tin tưởng vào chiêu lừa “việc nhẹ lương cao”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của một bộ phận thanh, thiếu niên, các đối tượng lừa đảo đưa ra thông tin việc làm đơn giản, thu nhập ổn định, nhưng phía sau đó lại là những chiếc “bẫy người” hoàn hảo.

Rủ đi bán trà sữa, nhận việc ở quán massage

Như tin An ninh Thủ đô đã đưa, mới đây, CAQ Tây Hồ theo đề nghị phối hợp của Công an tỉnh Lai Châu đã giải cứu thành công 2 bé gái 15 tuổi, trú tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu bị các đối tượng lừa đảo bán cho cơ sở kinh doanh massage.

Tối 31-7, Fanpage Công an tỉnh Lai Châu nhận được tin nhắn đề nghị của một cô gái đề nghị giúp đỡ cháu Tẩn Thị S. (SN 2008 – e gái của người trình báo), ở huyện Sìn Hồ, bị dụ dỗ đi bán trà sữa tại Hà Nội với mức lương cao. Theo lời cô gái, cháu S có thông báo với gia đình về việc đi bàn trà sữa ở Hà Nội và đã có người đón, trả tiền ngay và làm việc luôn.

Một nạn nhân của "việc nhẹ lương cao" trình báo với cơ quan công an

Một nạn nhân của "việc nhẹ lương cao" trình báo với cơ quan công an

Trong cả ngày hôm đó, gia đình không liên lạc được với cháu S. Đến tối, cháu S mới gọi về cho gia đình, khóc lóc cho biết bị đưa đến ép vào làm việc tại một quán massage và đã bị thu điện thoại.

Do cháu S. không chấp nhận làm việc, nhóm đối tượng đã đưa điện thoại yêu cầu cháu gọi điện thoại về nhà mang 3 triệu đến nộp nếu không sẽ bị bắt làm việc để trả nợ. Các đối tượng không đưa địa chỉ cụ thể mà chỉ cho gia đình hình ảnh bản đồ nên không rõ cháu S đang ở đâu.

Qua đề nghị phối hợp xác minh, cơ quan Công an đã xác định được vị trí nạn nhân ở khu vực địa bàn phường Bưởi, quận Tây Hồ và phối hợp truy tìm.

Đến 16h ngày 1-8, lực lượng chức năng đã tìm được cháu S. tại quán massage tại đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Tại cơ quan Công an, cháu S. cho biết, còn một người em họ tên là Tẩn Thị L (SN 2008), cùng trú tại huyện Sìn Hồ cũng bị kẻ xấu lừa và đang không rõ L. đã bị đưa đi đâu.

Người lao động cần cảnh giác, lựa chọn công việc phù hợp, không thể tin có "việc nhẹ lương cao" trong thực tế

Người lao động cần cảnh giác, lựa chọn công việc phù hợp, không thể tin có "việc nhẹ lương cao" trong thực tế

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, và xác minh theo thông tin do cháu S cung cấp, CAQ Tây Hồ xác định, cháu L bị đưa đến một quán massage ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ngay sau đó, một tổ công tác của Công an quận Tây Hồ đã đến huyện Khoái Châu và đưa cháu L về trụ sở CAQ, làm các thủ tục bàn giao cháu S và cháu L cho gia đình an toàn.

Trước đó, tại Công an tỉnh Cao Bằng, một đối tượng giả danh công an gọi điện Zalo hình ảnh cho anh V.Q với ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên khi nhìn thấy anh V.Q đang là công an, đối tượng đã buột miệng thốt lên “đang định lừa đảo thì gặp đúng công an thật” và lập tức hô “cứu em với”. Theo lời nam thanh niên, anh ta đang bị nhốt ở Myanmar và bị ép uống thuốc, gí điện hàng ngày nếu không hoàn thành chỉ tiêu gọi điện về Việt Nam lừa đảo do vậy không nhớ địa chỉ sinh sống tại Việt Nam, sau đó cúp máy.

“Miếng thịt miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”

Tháng 6-2023, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước các lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại. Không chỉ bị đưa đi làm việc vi phạm pháp luật tại các tỉnh thành trong nước, nhiều người đã bị lừa sang Campuchia, Myanmar bán cho các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo, bị bóc lột sức lao động, muốn về phải nộp 3.000 - 30.000 USD. Nạn nhân chủ yếu 18 - 35 tuổi, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội.

Tại đây, những người này phải làm việc cho các tổ chức lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên mạng, bị cưỡng ép làm việc 12 - 16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi bị vắt kiệt sức, nạn nhân lại bị bán sang tổ chức khác.

Lựa chọn sáng suốt việc làm phù hợp không để mắc bẫy những kẻ lừa đảo

Lựa chọn sáng suốt việc làm phù hợp không để mắc bẫy những kẻ lừa đảo

Người nào muốn được về phải gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc. Một số trường hợp bỏ trốn bị các ông chủ đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Kẻ cầm đầu các ổ nhóm này được xác định là người Trung Quốc, dưới sự giúp sức của người Việt Nam đang sống tại Campuchia. Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, cơ quan công an phối hợp với phía Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép… Chính phủ Campuchia sau đó cũng đã tiến hành tổng rà soát, triệt xóa các ổ nhóm này, giải cứu thành công nhiều người lao động trong đó có các công dân Việt Nam.

“Việc nhẹ, lương cao” là mong muốn của không ít người trong xã hội, nhưng nó là điều không thể thành hiện thực, bởi mức lương mà người sử dụng lao động trả cho người lao động phải tương xứng với công sức mà người lao động bỏ ra. Ngạn ngữ có câu “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”, do vậy người dân phải hết sức thận trọng khi nhận được những lời giới thiệu việc làm hấp dẫn.

Thực tế là hàng trăm người đã nhẹ dạ, cả tin vào “việc nhẹ, lương cao” để rồi phải nhận cái kết đắng - bị bóc lột sức lao động thậm tệ, lao động quần quật như những nô lệ thời hiện đại và muốn về nhà phải đóng một số tiền khủng.

“Trước các chiêu lừa “việc nhẹ, lương cao”, người dân cần cảnh giác. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người dân cần báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời” – chỉ huy Phòng CSHS, CATP Hà Nội khuyến cáo.

Khi các đối tượng đưa ra các thông tin “việc nhẹ, lương cao”, người dân cần yêu cầu các đối tượng đưa ra các giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu không đưa ra được giấp phép chứng tỏ hoạt động này là bất hợp pháp.