Giả danh cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi để thu tiền

ANTD.VN - Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang tăng mạnh ở Hà Nội khiến nhiều hộ dân lo ngại, tự ý mua hoặc thuê người đến phun hóa chất diệt muỗi. Thậm chí, có nơi còn xuất hiện trường hợp giả danh cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi để... thu tiền.

Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội khẳng định, phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH do ngành Y tế thực hiện là hoàn toàn miễn phí. Mặt khác, người dân không nên tự ý phun thuốc diệt muỗi truyền SXH bởi có thể lợi bất cập hại.

Giả danh cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi để thu tiền ảnh 1Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi tại một nhà trọ ở xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Số mắc tăng mạnh,người dân lo lắng

Ngày 17/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, 1 tuần qua, từ ngày 10 đến 16-7, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 1.171 trường hợp mắc SXH, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 5.316 trường hợp. Các đơn vị có số mắc cao trong tuần qua vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành như: Hoàng Mai (207 ca), Đống Đa (193), Hai Bà Trưng (90), Thanh Xuân (84), Cầu Giấy (83), Hà Đông (78), Ba Đình (73), Thanh Trì (66)...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh SXH phát triển. Giải pháp quan trọng hàng đầu để phòng bệnh là phải triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh, trong đó cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân.

Hiện nay, bên cạnh số ít hộ dân vẫn thờ ơ với dịch, không chủ động hợp tác với các đoàn phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH thì ngược lại, nhiều hộ dân sống trong các khu vực trọng điểm của dịch bệnh vì quá lo lắng đã tự ý mua hóa chất diệt muỗi về phun hoặc thuê người đến phun hóa chất diệt muỗi tại nhà. Nhiều trường hợp khi thấy bị sốt hoặc có người nhà bị sốt khi báo tin cho trạm y tế xã/ phường nhưng không thấy cơ quan y tế đi phun hóa chất diệt muỗi ngay thì tỏ ra bức xúc...

Theo bác sĩ Đào Hữu Thân, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYTDP Hà Nội, về nguyên tắc, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH thường được đơn vị y tế dự phòng chỉ định triển khai ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, có ca bệnh, có chỉ số bọ gậy hoặc chỉ số mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh SXH cao.

“TTYTDP Hà Nội phối hợp với một số quận thường xuyên tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại cộng đồng, kể cả vào ban đêm. Vì vậy, có thể nhiều người dân không biết, cứ nghĩ khu vực mình có bệnh nhân rồi mà không được phun muỗi, dẫn tới bức xúc”, một cán bộ TTYTDP Hà Nội chia sẻ.

Không nên tự phun thuốc diệt muỗi

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, việc người dân tự ý mua hóa chất về phun hoặc thuê người đến nhà phun hóa chất diệt muỗi có thể lợi bất cập hại bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất đó là gì thì sẽ không có tác dụng mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện đã xuất hiện trường hợp giả danh cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ hay Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương đi phun thuốc diệt muỗi SXH và thu tiền nhưng chất lượng kém. Do muỗi truyền SXH có đặc tính đậu khắp nơi nên khi phun hóa chất diệt muỗi phải phun dạng khí dung, tạo không gian sương mù diệt toàn bộ đàn muỗi đang mang mầm bệnh.

Tuy nhiên, do cách phun không tồn lưu nên chỉ có tác dụng 2 ngày và cần phải tiếp tục phun lần hai, còn nếu chỉ phun 1 lần và phun không đúng kỹ thuật thì tác dụng sẽ hạn chế. Hơn nữa, muỗi SXH có thể di chuyển trong bán kính 50m nên nếu trong một khu vực không phun đồng loạt thì cũng rất khó có thể diệt hết muỗi. “Do vậy, người dân cần lưu ý không nên tự ý phun hoặc thuê phun hóa chất diệt muỗi truyền SXH. Việc phun thuốc diệt muỗi phòng SXH của các đội y tế dự phòng hoàn toàn không mất phí”, ông Trần Đắc Phu khẳng định.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, việc phun thuốc diệt muỗi SXH chỉ là một biện pháp, cốt lõi là mỗi cá nhân cần chủ động diệt bọ gậy, loại bỏ các vật dụng tích nước có khả năng làm ổ bọ gậy, tạo môi trường sinh trưởng cho muỗi SXH phát triển. Khi nghi ngờ mắc SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà.