Giá của cuộc đổi ngôi

ANTĐ - Lần đầu tiên trong 40 năm qua, Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều gì đi liền với cuộc đổi ngôi này?

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh rất nặng nề

Dựa trên các số liệu do Cơ quan thông tin của Bộ Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, mạng tin “Oil price” ngày 5-3 cho biết lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 12-2012 đã vượt Mỹ. Thông tin trên được các chuyên gia coi là “sự thay đổi chỉ xảy ra một lần trong một thế hệ” và nó sẽ làm chao đảo tình hình địa chính trị liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức hàng đầu thế giới, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Số liệu cho thấy trong năm 2012, dầu thô nhập khẩu từ nước ngoài chiếm tới 56,4% tổng mức tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc. Dù đã lên kế hoạch hạn chế nhưng dầu thô nhập khẩu vẫn chiếm tới 61% nhu cầu của nước này vào năm 2015.

Chính cơn “khát dầu” này đã khiến Trung Quốc luôn tìm cách thâu tóm nguồn “vàng đen” của thế giới. Các công ty khai thác dầu mỏ của Trung Quốc đang củng cố tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu mỏ, suốt từ Canada ở Bắc Mỹ đến châu Mỹ Latinh, châu Phi, rồi châu Úc. Chưa dừng ở đó, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã bắt đầu tìm kiếm những cổ phần đầu tiên tại thị trường “vàng đen” của Mỹ.

Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc hôm 5-3, ông Tưởng Khiết Mẫn, Chủ tịch của CNPC, cho biết hiện tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc này đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư vào thị trường dầu mỏ của Mỹ với số vốn khoảng 40 tỷ USD. Tháng trước, Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc cũng đã đồng ý mua lại cổ phần của một mỏ dầu ở bang Oklahoma, Mỹ từ Tập đoàn năng lượng Chesapeake với giá 1,02 tỷ USD. 

Nhưng nhu cầu dầu lửa luôn tăng lên của Trung Quốc đang tạo ra những thách thức không nhỏ. Trước hết, nó cho thấy sự dễ tổn thương của nền kinh tế Trung Quốc do phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ bên ngoài. Muốn mở rộng thị trường nguồn cung thì gặp phải sự ngăn cản của các đối thủ như Mỹ. Washington đã từng ngăn cản nỗ lực của Bắc Kinh mua lại các tập đoàn lớn của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực khai thác dầu lửa, nguồn nhiên liệu được coi là có tính chiến lược. 

Nó cũng cho thấy Trung Quốc đã không thành công trong mục tiêu áp dụng công nghệ nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng. Các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đang phải trả giá đắt cho quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng do sử dụng quá nhiều nhiên liệu và nguyên liệu, khiến nước này trở thành một trong những nơi “độc hại” nhất thế giới. Hiện nay, 70% thành phố ở Trung Quốc không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu về không khí, trong khi hàng trăm triệu người không có cơ hội tiếp cận với nước sạch sinh hoạt. Mới đây, Bộ Y tế Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của những “làng ung thư” ở nước này do ô nhiễm môi trường. 

Năm ngoái, Trung Quốc đã quyết định đầu tư 49 tỷ USD cho “kinh tế xanh”. Đây là mức đầu tư lớn nhất thế giới và mức này có thể tăng trong năm tới. Nhưng điều đó không ngăn được tác động tiêu cực về môi trường từ cuộc “đổi ngôi” trên thị trường buôn bán dầu mỏ.