Gia cầm sống bán “vô tư” trên phố

ANTĐ - Bất chấp lệnh cấm buôn bán gia cầm sống trong khu vực nội thành, bất chấp dịch cúm gia cầm đang tái bùng phát, việc kinh doanh, buôn bán gia cầm lông vẫn tràn ngập các chợ nội thành Hà Nội.

Gia cầm lông vẫn bày bán trên các phố dù dịch đang tới gần

Gà vịt sống tấp nập lên phố

Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, theo báo cáo của Chi cục Thú y Hải Phòng, từ 5-2-2012, đàn vịt 1.470 con 49 ngày tuổi của một hộ chăn nuôi ở tổ dân phố Quảng Luận, phường Đa Phúc, quận Dương Kinh có biểu hiện mắc bệnh và chết rải rác 460 con với các triệu chứng đặc trưng của bệnh cúm. Chi cục Thú y đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm gia cầm H5N1. Chi cục Thú y cùng địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt và triển khai áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định, đồng thời, UBND TP Hải Phòng cũng đã có văn bản công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP Hải Phòng. Trước đó, đầu tháng 2, tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, dịch cúm gia cầm cũng đã tái phát trên đàn vịt. Như vậy, đến thời điểm này, cả nước đã có 9  tỉnh có cúm gia cầm là Sóc Trăng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương và Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Trong công điện khẩn gửi các tỉnh, thành về phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định, tại một số địa phương như An Giang và Hà Nội cũng xuất hiện gia cầm ốm chết, nghi do cúm gia cầm H5N1. Có thể nói, đến thời điểm này, hầu khắp các tỉnh lân cận Hà Nội đã tái phát cúm gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh lây lan là khó tránh khỏi.

Đã từ lâu, để đề phòng dịch cúm gia cầm lây lan sang người, UBND TP Hà Nội đã cấm buôn bán gia cầm lông, gia cầm chưa qua kiểm dịch trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, gia cầm lông vẫn được người dân bày bán hầu khắp các chợ nội thành, từ chợ cóc, chợ tạm đến các chợ chính. Ngay trên con đường đang mở dang dở, nối Hoàng Cầu với Thái Thịnh, gà vịt lông được bày bán tràn lan, từ sáng sớm tới quá trưa. Điều lạ, chỉ một đoạn phố ngắn như vậy mà có đến cả chục hàng bán gà lông, nhộn nhịp người bán, tấp nập người mua. Một người bán gà tại đây khi được hỏi đã trả lời rất thản nhiên: “Toàn gà khỏe, đập cánh phành phạch thế này thì làm gì có gà ốm, gà đau. Chúng tôi bán, tiếp xúc trực tiếp với con gà mới đáng ngại, chứ người mua về làm thịt, có tiếp xúc mấy đâu mà lo”.

Xem nhẹ sức khỏe cộng đồng

Dễ nhận ra, sự vô trách nhiệm cũng như xem thường sức khỏe người tiêu dùng. Ngay trong khu vực trung tâm, trên phố Hàn Thuyên - Phan Chu Trinh, gia cầm lông cũng được bày bán, tuy nhiên, do đây là khu vực chợ cóc, họp tranh thủ vào buổi sáng, nên chỉ hơn 7h là chợ tan. Không thể nói, việc họp chợ cóc, chợ tạm rầm rộ diễn ra hàng ngày như vậy mà chính quyền địa phương không hay biết, cũng như, việc buôn bán gia cầm lông trong nội thành đã bị cấm từ lâu. Sự thiếu kiểm soát, tắc trách của chính quyền địa phương có thể dẫn đến hậu quả khôn lường cho sức khỏe cộng đồng. Đó còn chưa kể đến tình trạng buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch tràn lan trên các phố, chợ hiện nay. Dù gia cầm chưa qua kiểm dịch cũng bị cấm buôn bán. Dường như, các lệnh cấm của UBND TP, của cơ quan chức năng trong vấn đề này đang bị xem nhẹ.

Trước tình trạng dịch cúm gia cầm bùng phát, trong khi đang có những nghi vấn về sự biến chủng cũng như tăng  độc lực ở virus cúm A/H5N1, Bộ NN&PTNT đã quyết định thành lập 7 đoàn công tác, đi hầu khắp các tỉnh để kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm. Tuy nhiên, dù cơ quan Trung ương có vào cuộc, có ráo riết đến đâu, khi mà cơ quan chức năng sở tại… đóng băng, thờ ơ thì khó mang lại kết quả như mong muốn. Đánh giá về sự bùng phát dịch cúm gia cầm hiện tại, ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, dịch cúm gia cầm tái bùng phát rộng rãi như hiện nay nguyên nhân chủ yếu do chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. “Nhiều địa phương còn xem nhẹ phòng chống dịch, thậm chí, BCĐ phòng chống cúm gia cầm còn không hoạt động, hoặc hoạt động kiểu uể oải”.

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả ATTP TP. Theo đó, nhiều cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ, sơ chế gia súc gia cầm không đảm bảo ATTP. Cụ thể, số cơ sở chăn nuôi đảm bảo mới đạt hơn 60%, chỉ có 58% số cơ sở ấp trứng đạt yêu cầu, và tỷ lệ cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi chưa được 50% trên tổng số cơ sở hiện hành.