Giá cả trút lên vai

ANTĐ - Đã gần nửa tháng kể từ khi giá điện tăng 5%, một số chuyên gia kinh tế, giới doanh nghiệp và người dân vẫn còn cảm giác bị sốc, bởi trước đó một tháng đã nghe phong thanh việc tăng giá điện và trước một ngày khi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức công bố tăng giá điện, thì một vị thứ trưởng Bộ Công Thương không tiết lộ thời điểm tăng giá điện. Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7, lãnh đạo Bộ này cũng xác nhận “cân nhắc cẩn trọng” thời điểm điều chỉnh giá bán điện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và chỉ số giá tiêu dùng. Nhưng rồi giá điện đã tăng… ngoài mong đợi.

Dư luận hết sức thông cảm và chia sẻ với Bộ Công Thương khi giải trình rằng, từ đầu năm đến nay chưa tăng giá điện lần nào, trong khi nếu để lâu dồn lại thì khả năng tăng sốc, giật cục là điều khiến dư luận khó chấp nhận hơn. Cục Điều tiết Điện lực cũng nhấn mạnh, áp lực điều chỉnh giá điện từ nay đến cuối năm là rất lớn. Mọi sự “cân nhắc thận trọng” của ngành điện vẫn cứ xảy ra khi tổng cung của nền kinh tế vốn đã rất khó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa hết chật vật thì việc tăng giá đầu vào như xăng dầu, điện khiến doanh nghiệp càng lao đao, nhất là vào mùa mưa bão, các mặt hàng tiêu dùng sẽ được dịp “té giá theo mưa”. Các chuyên gia thị trường nhận định chắc chắn sẽ hình thành mặt bằng giá mới vào nửa cuối tháng 8 này, ảnh hưởng tới chỉ số CPI.

Các cơ quan chức năng dự báo việc tăng giá điện khiến CPI tăng 0,15%, song thực tế có thể tăng tới 0,6-0,7% vào cuối tháng 8. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, tăng giá điện phải có lộ trình trước để doanh nghiệp có kế hoạch hạch toán kinh doanh. Tăng đột ngột như vậy khiến doanh nghiệp bị động. Đại diện một số siêu thị nhận định, việc tăng giá xăng dầu, điện kiểu gì cũng kéo các mặt hàng khác tăng giá theo, khả năng cuối tháng này nhiều thứ sẽ tăng mạnh. Thép và xi măng có lẽ là hai ngành hiếm hoi có chút “niềm vui” trong lần tăng giá điện này, bởi theo biểu giá mới, điện bán cho thép và xi măng vẫn chung một mặt bằng với nhiều ngành sản xuất khác. Tuy nhiên giá điện tăng thì ngành thép không thể tăng giá bán để bù vào chi phí, bởi hiện nay việc ngăn chặn bán dưới giá thành đã khiến ngành này lao đao. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đang “chết lâm sàng” nay tăng giá điện như bồi thêm một “cú đấm”.

Hoàn toàn có cơ sở khi một số chuyên gia nhận định, việc tăng giá điện khi lạm phát đã được kìm cương, nhưng kinh tế chưa thực sự hồi phục vững chắc, sức sản xuất còn yếu sẽ tác động dây chuyền lên giá mặt hàng thiết yếu, càng làm sức mua giảm thêm. Giá điện tăng thì mọi ngành sản xuất kinh doanh đều phải tăng chi phí sản xuất đầu vào, song cuối cùng mọi “gánh nặng” về giá cả đều trút lên vai người lao động, người tiêu dùng.