Giá cả... “nóng” nghị trường

ANTĐ - Sáng 4-8, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; giải pháp 6 tháng cuối năm 2011. Cũng như một số kỳ họp gần đây, vấn đề giá cả leo thang vẫn là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu thảo luận tại tổ

Cũng là bà nội trợ, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) giãi bày với Quốc hội: “Mua một lạng sườn lợn giờ hết 14.000-15.000 đồng. Mới năm ngoái thôi nói giá này không ai tin nổi...”. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho biết, nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn chỉ số tăng trưởng GDP có thể hiểu mức sống của người dân thế nào.

ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) cũng cho rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay là giá tiêu dùng tăng cao, nhất là thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Ông nói: “Việt Nam là nước nông nghiệp mà sao để giá thực phẩm tăng mạnh như vậy? Rõ ràng, cung - cầu đã bị mất cân đối. Dù giá thực phẩm tăng mạnh cũng đem lại lợi ích cho người nông dân nhưng phải xem phần tăng đó có chắc tới được tay họ không? Tôi biết có sản phẩm mua ở Hà Nam chưa tới 1.000 đồng nhưng tư thương mang vào Hà Nội bán tới 5.000 đồng. Số chênh này, người nông dân không được hưởng...”.

Công tác bình ổn giá lại được đánh giá là không đâu vào đâu. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường thẳng thắn: “Bình ổn giá ở cửa hàng, siêu thị thì mới ở phần ngọn, chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ của thị trường. Đã vậy, có lúc giá hàng bình ổn lại cao hơn ở ngoài chợ. Hơn nữa, nguồn lực của Nhà nước là có hạn, không thể bình ổn mãi cho toàn xã hội. Phải suy nghĩ về vấn đề này để người dân được thực sự thụ hưởng lợi ích từ Quỹ bình ổn giá”.

Cũng cho rằng công tác bình ổn giá hiện nay chưa... ổn, ĐB Đào Văn Bình đề nghị xem lại cách làm: “Cần giao vốn cho nông dân sản xuất chứ không nên chỉ ném vào lưu thông. Chỉ như thế mới xóa được nghịch lý nông dân bỏ không chuồng trại trong khi nguồn cung cấp lại thiếu”. ĐB Bùi Thị An cũng kiến nghị, nên hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất, vượt qua “cơn bão” này. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) góp ý, bình ổn giá phải từ sản xuất, không chỉ thuần túy chi tiền cho khâu lưu thông. Ông còn cho rằng, nếu vẫn duy trì nền kinh tế “tiền mặt” như hiện nay sẽ không thể kiểm soát được lạm phát.