Giãn dân phố cổ:

Giá bồi thường hỗ trợ gấp đôi quy định

ANTĐ - Ngày 25-8, UBND quận Hoàn Kiếm và tổ chuyên gia đã thảo luận một số nội dung trước khi trình lên UBND TP Hà Nội các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện giãn dân phố cổ (GDPC). Trong đó, những vấn đề liên quan đến đền bù, nhà tái định cư… đang được hàng vạn người dân phố cổ quan tâm.

Ngã tư phố Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện

Ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, giai đoạn I của Đề án GDPC được thực hiện trên khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Tại đây sẽ hình thành một khu ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân khu phố cổ sang định cư. Hiện nay, cơ quan liên quan đang nghiên cứu đề xuất những giải pháp cơ bản để di chuyển khoảng 1.800 hộ dân, tương ứng 7.200 người. Trong khi đó, Đề án GDPC Hà Nội với quy mô lớn hơn nhiều, sẽ nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng  26.200 người.

Về cơ chế, chính sách với các hộ nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB), cùng với việc áp dụng các cơ chế chính sách hiện hành, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất UBND TP cho áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù. Đó là đề xuất cho áp dụng giá đất bồi thường hỗ trợ với hệ số gấp 2 lần so với mức giá quy định trong bảng giá đất hàng năm do TP ban hành. Ngoài ra, mỗi hộ dân thuộc diện GPMB được mua nhà tại khu nhà ở giãn dân theo giá nhà tái định cư đối với phần diện tích theo quy định về GPMB, phần diện tích căn hộ ngoài tiêu chuẩn quy định được mua theo giá kinh doanh - thương mại. Đối với các diện tích thu hồi dưới 45m2, được bố trí căn hộ diện tích từ 45m2 trở lên. Trường hợp diện tích đất và nhà thu hồi trên 45m2, diện tích căn hộ được bố trí không quá 3 lần diện tích nhà, đất thu hồi. 

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đối với các hộ dân sống trong những ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, trong các biển số nhà xuống cấp, nguy hiểm, các biển số nhà đông hộ (diện tích ở bình quân dưới 5m2/người), các chung cư xuống cấp nằm trong diện vận động giãn dân... UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất mỗi hộ dân được mua nhà tại khu nhà ở giãn dân với giá đảm bảo kinh doanh theo tiêu chuẩn quy định 15m2/người, phần diện tích căn hộ ngoài tiêu chuẩn quy định được bán theo giá kinh doanh thương mại. Riêng đối với những biển số nhà cần di dời toàn bộ để phục vụ bảo tồn, việc di chuyển các hộ dân thực hiện như đối với các hộ dân sống trong  di tích để bảo tồn tôn tạo theo quy định.

Theo ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, các hộ dân thuộc diện nghèo sẽ được xét cho thuê nhà. Giá thuê nhà sẽ áp dụng theo quy định của UBND TP vào thời điểm hiện tại. Ngoài ra, các hộ dân tự nguyện di chuyển được mua nhà trả một lần, mua nhà trả góp, thời hạn trả góp tối đa trong 10 năm. Về chính sách ưu đãi phân phối diện tích kinh doanh - dịch vụ tại tầng 1, sẽ được bán hoặc cho thuê theo giá kinh doanh thương mại. Việc bán diện tích kinh doanh dịch vụ có xét đến yếu tố ưu tiên theo ngành hàng, vị trí mà hộ dân đã kinh doanh khi còn ở phố cổ.

Tính toán ban đầu của UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ dự án giai đoạn I khoảng 6.225 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước khoảng 537 tỷ đồng, vốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khoảng 5.688 tỷ đồng. Về cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, ông Vũ Văn Viện đề xuất TP cho phép chủ đầu tư được lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án. Dự kiến, Đề án GDPC sẽ tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp trước khi hoàn thiện, trình Thường trực Thành ủy Hà Nội trong tháng 9-2011.

Phê duyệt danh mục 332 dự án cấp bách

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt danh mục các dự án, công trình cấp bách cần triển khai trong thời gian quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020. Danh mục này bao gồm 332 dự án với tổng diện tích 1.476,64ha đất, trong đó có 48 dự án về giao thông; 32 dự án về giáo dục, 12 dự án về y tế, 4 dự án về xử lý chất thải, rác thải; 9 dự án xây dựng chợ; 70 dự án xây dựng nhà ở; 27 dự án xây dựng công trình công cộng khác; 2 dự án khai thác khoáng sản... Cũng tại văn bản này, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư lập hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.