“Ghìm cương” giá hàng hóa

ANTĐ - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế Quốc gia, Bộ Kế hoạch-Đầu tư vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,67%, cao nhất trong ba năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 5,8% mà Quốc hội đề ra. Trong phiên họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, Chính phủ nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là giải ngân nhanh các dự án đã bố trí được vốn. Trong số ba đột phá chiến lược, tập trung vốn xây dựng kết cấu hạ tầng được xem là trọng điểm. Một số địa phương đề nghị có giải pháp mạnh về tín dụng để thúc đẩy nền kinh tế.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, tăng sức mua, cân đối được cung cầu, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt phải có giải pháp mạnh tín dụng mới “tan băng” bất động sản được. Giải pháp tín dụng chính là giải cứu các ngân hàng đang đọng vốn trong bất động sản chứ không đơn thuần là giải cứu thị trường.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản phải chấp nhận quy luật của thị trường khi thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mãi. Ngoài ra cũng cần xem xét kích cầu tiêu dùng và đầu tư công. Khác với quy luật tăng giá vào cuối năm,  chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TP.HCM chỉ tăng nhẹ trong tháng 12. CPI của Hà Nội tăng khiêm tốn 0,35% so với tháng trước và tính bình quân cả năm CPI chỉ tăng 6,37% so với năm 2012. Diễn biến giá cả tháng cuối năm khá trầm lắng. Điểm đáng chú ý là, nhóm hàng lương thực tăng 1,68% so với tháng trước, thực phẩm lại giảm 0,34%. Chỉ số CPI của cả hai thành phố lớn tránh được tác động của đột tăng giá xăng dầu mới đây vì đã chấm dứt chu kỳ tính chỉ số giá của tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Quản lý giá, đợt tăng giá xăng dầu này chắc chắn có ảnh hưởng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong tháng 1-2014. Theo Cục Quản lý giá, trong nửa đầu tháng 12, các mặt hàng lương thực và vật liệu xây dựng giữ giá ổn định, trong khi ở phía Nam, một số mặt hàng tăng nhẹ. Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi ghi nhận ở mức giảm 3,62% và tăng 0,23% so với tháng trước.

Với diễn biến giá cả thị trường ở hai thành phố lớn cũng như cả nước, có thể nói lạm phát tháng 12 đã “né” được tác động của đợt tăng giá xăng dầu. Song, bước sang tháng 1-2014, tháng giáp Tết Nguyên đán, độ trễ của tác động tăng giá là khó tránh khỏi, khi nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân sẽ gia tăng, nhất là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vào mùa cao điểm làm ăn. “Ghìm cương” giá cả hàng hóa luôn là một công việc khó khăn muôn thuở.