Ngăn chặn cận thị tiến triển ở trẻ:

Ghép tạo hình củng mạc - hiệu quả nhất

ANTĐ - “Để ngăn chặn cận thị tiến triển nhanh ở trẻ, bác sĩ có thể điều trị bằng chỉnh kính, dùng thuốc, điều trị laser… nhưng nếu với tất cả các phương pháp trên mà độ cận thị vẫn tăng thì ghép tạo hình củng mạc là phương pháp mới điều trị bệnh cận thị tiến triển có hiệu quả nhất” - đó là kết luận của TS. Kurochkin Vladimir - Trưởng khoa Nhãn nhi - Chi nhánh Krasnodar - Tổ hợp Vi phẫu mắt Fyodorov (Nga).

Phẫu thuật tạo hình củng mạc ngăn chặn cận thị tiến triển ở trẻ em hiện nay phần lớn được thực hiện bằng cách đưa vào khoang thượng củng mạc ở cực sau của nhãn cầu những miếng ghép củng mạc hoặc bơm vào đó chất collagen thông qua những vết rạch củng mạc rất nhỏ. Những miếng ghép này (hoặc collagen) sẽ dần gắn chặt vào củng mạc của bệnh nhân và gia cố cho củng mạc thêm chắc chắn, ngăn chặn sự kéo dài ra của trục nhãn cầu. Thông thường, khi trục nhãn cầu kéo dài 1MM thì độ cận thị sẽ tăng lên 3 điop (D). Đồng thời, phẫu thuật này còn có tác dụng tăng cường hoạt huyết cho nhãn cầu, rất có ích trong việc ngăn chặn thoái hóa võng mạc ngoại vi (là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân cận thị nặng và tiến triển).

Tại một cuộc Hội thảo nhãn khoa toàn quốc ở Đà Nẵng, TS.Kurochkin Vladimir đã trình bày báo cáo nghiên cứu theo dõi tác dụng của phẫu thuật này trên 507 trẻ bị cận thị trong độ tuổi từ 8 - 12 tuổi trong 5 năm cho thấy: Những trẻ sau khi được phẫu thuật tạo hình củng mạc thì tốc độ tiến triển của cận thị giảm hơn 2,5 lần so với những trẻ không được phẫu thuật. Độ cận thị trung bình của trẻ sau khi mổ cũng thấp hơn so với trẻ không được mổ 2,3 D.

Phẫu thuật tạo hình củng mạc được thực hiện để giữ cho độ cận ổn định. Đây là một phẫu thuật an toàn, không gây biến chứng. Sau phẫu thuật bệnh nhân chỉ cần 5 - 7 ngày để bình phục và cũng không cần phải áp dụng một chế độ sinh hoạt đặc biệt, chỉ cần tránh những tiếp xúc hay va đập trực tiếp vào mắt. Sau phẫu thuật 6 tháng đến 1 năm, người ta tiến hành đo lại khúc xạ, làm lại siêu âm A để đánh giá tốc độ tiến triển của cận thị sau mổ. Theo các nghiên cứu khác nhau, bệnh cận thị đã giảm 70-90% tốc độ tiến triển trong tổng số bệnh nhân được mổ, hay làm giảm tốc độ tăng độ cận xuống gần 3 lần. Và đến nay trên thế giới vẫn chưa có một phương pháp nào có thể điều trị bệnh cận thị tiến triển hiệu quả thay thế được phương pháp này.

Em Nguyễn Tất Đạt (Ba Đình, Hà Nội) độ cận thị tiến triển tăng “vùn vụt” 1 năm 3 độ. Lên 13 tuổi (năm 2005) em đã phải đeo kính cận 11 D (điốp), được bố đưa sang Nga điều trị theo phương pháp ghép tạo hình củng mạc. Tới nay, sau 6 năm em vẫn đeo kính giữ nguyên độ cận. Thực tế, độ cận thị của em chỉ tăng 2 D, nếu không được mổ củng mạc thì độ cận thị của Đạt có thể tăng 20-21 D. Sắp tới ghép tạo hình củng mạc có thể mổ tại Việt Nam do các chuyên gia Nga tại bệnh viện Mắt quốc tế Việt-Nga thực hiện, với chi phí thấp hơn phẫu thuật ở Nga, Singapore hàng chục lần.