Ghép quả trên cây có múi

(ANTĐ) - Những cây cam, bưởi, quýt… chơi Tết quả ra đẹp, phân bố đều, hợp lý ở các cành không hẳn là tự nó vốn có. Đó là kết quả mày mò thử nghiệm và ghép thành công quả trên cây có múi của anh nông dân Nguyễn Văn Hoãn (thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Thạc sĩ Nguyễn Hải Tiến - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên khẳng định: “Đây có thể coi là một sáng tạo đột phá trong nghề trồng cây có múi ở nước ta”.

Sáng tạo đột phá của một nông dân:

Ghép quả trên cây có múi

(ANTĐ) - Những cây cam, bưởi, quýt… chơi Tết quả ra đẹp, phân bố đều, hợp lý ở các cành không hẳn là tự nó vốn có. Đó là kết quả mày mò thử nghiệm và ghép thành công quả trên cây có múi của anh nông dân Nguyễn Văn Hoãn (thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Thạc sĩ Nguyễn Hải Tiến - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên khẳng định: “Đây có thể coi là một sáng tạo đột phá trong nghề trồng cây có múi ở nước ta”.

Một cây bưởi của vợ chồng anh Hoãn, chị Hằng tham gia gian hàng Hội chợ Xuân năm 2008. Để có cây quả đều, đẹp và phân bố hợp lý như vậy là kết quả của phương pháp ghép quả trên cây có múi
Một cây bưởi của vợ chồng anh Hoãn, chị Hằng tham gia gian hàng Hội chợ Xuân năm 2008. Để có cây quả đều, đẹp và phân bố hợp lý như vậy là kết quả của phương pháp ghép quả trên cây có múi

Từ niềm say mê cây cối

Về xã Dạ Trạch, hỏi thăm anh Hoãn ai cũng biết. Nhiều bà con nông dân còn tươi cười hỏi lại: “Hoãn bưởi chứ gì?”. Con đường quanh co hai bên cánh đồng dẫn vào ngôi nhà hai tầng đã cũ, tường vôi bở từng mảng, rêu mọc nham nhở. Bao quanh ngôi nhà nhỏ là vườn cây bưởi, cam. Tôi tìm thấy anh ở cuối vườn, đang ngắm nghía mấy quả bưởi sớm, tay chân lấm lem đất. Nước da sạm đen, khuôn mặt hóm hỉnh, hay cười với ánh mắt sáng, anh xua tay “Có gì đâu mà viết. Mình là nông dân mà”.

Bà mẹ già hơn 80 tuổi ngồi trong gian bếp nhỏ, tự hào kể về cậu con út. Nguyễn Văn Hoãn sinh năm 1971, trong một gia đình làm ruộng có 8 anh chị em. Từ bé, Hoãn đã thích trồng trọt và tìm hiểu về các loại cây. Thấy cây gì hay hay, lạ lạ là anh lại mang về trồng trong vườn, rồi thích thú cắt tỉa, ghép cây. Sau khi thi trượt đại học, Hoãn vào làm công nhân vận hành điện của Công ty Tàu cuốc. Thời gian này, anh còn sang tận bên Nhật Tân để mua đào về cho bố trồng trong vườn. Nhà anh lúc đó có đủ các loại cây: Cam, bưởi, quýt, táo, hồng xiêm…

Không phải ngẫu nhiên, từ một người công nhân thoát ly hẳn nông nghiệp lại trở lại anh nông dân chân lấm tay bùn. Năm 2000, Công ty Tàu cuốc làm ăn thất bại, anh mất việc. Bố mẹ, anh chị em hướng cho đi làm việc khác hoặc là xuất khẩu lao động nhưng anh không đồng ý. Nhìn mảnh vườn của bố mẹ không mang lại thu nhập, niềm say mê từ xưa trong anh trỗi dậy và anh quyết định phải thay đổi cuộc sống của mình bởi chính nghề mà ai cũng muốn từ bỏ.

Hai vợ chồng anh quyết tâm làm từ hai bàn tay trắng. Cả năm đầu tiên, anh đi lang thang khắp nơi, nghe thấy bảo ở đâu trồng cây có kết quả tốt anh đều mò đến để học tập. Gặp bất cứ quyển sách nào nói về trồng cây ăn quả, là anh lại mua về để nghiên cứu và học hỏi. Anh làm đủ mọi việc để có tiền mua sách và chi tiêu trong cuộc sống: Vác đất thuê, đào cây thuê… Đến chiếc xe đạp là phương tiện đi lại duy nhất của hai vợ chồng, anh cũng bán đi để có tiền làm vườn. Kết thúc năm đầu tiên, gia đình anh thu được 2 triệu đồng từ làm vườn.

Nở hoa từ đất

Năm 2003, đọc quyển sách “Trồng cây ăn quả ở Việt Nam” của Giáo sư Vũ Công Hậu, anh Hoãn tâm đắc và rất thích thú với những kiến thức trong quyển sách đó. Một lần ra vườn nhìn những quả bưởi non, vừa mới nhú anh chợt nghĩ từ trước đến nay trong sách vở người ta chỉ đề cập đến ghép rễ, ghép mắt cây, tại sao lại không ghép quả? Rồi anh thử.

Đầu tiên, anh ghép thử ở mấy chậu cây có múi, ghép 1 quả cam vào cây quýt. Anh cắt quả khi hãy còn non, bộ phận ghép là cuống quả. Sau 5-6 tháng thấy quả vẫn phát triển bình thường. Có một điều đặc biệt là chất lượng quả ghép lại ngon hơn và cho thu hoạch cùng thời với các quả ở cây không ghép khác. Năm đầu khi mới ghép, tỷ lệ quả sống chỉ đạt khoảng 50%, năm 2004 đạt 80% và từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ quả ghép sống đạt 100%.

Thỉnh thoảng, anh cũng thử ghép quả xoài với cây hồng xiêm và ngược lại nhưng chất lượng không tốt lắm. Cuối cùng, anh kết luận, cây có múi nên ghép với cây có múi và thành công nhất là ở cùng loại quả. Anh cho biết: “Để ghép quả thành công thì ghép ở nhiệt độ 25-26 độ C. Quả mang ghép chưa ra múi, còn tươi, tốt nhất là trước 78 tiếng sau khi cắt quả”.

Tháng 2-2007, anh đã đăng ký thương hiệu bưởi Hoãn, hiện đang bán ở số 2 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ngoài ra, từ năm 2007, anh đã tham gia 2 lần Hội chợ Nông nghiệp Việt Nam, Hội chợ Xuân. Về bí quyết để có thể trở thành người đầu tiên của huyện Khoái Châu đăng ký thành công thương hiệu bưởi, anh Hoãn tâm sự: “Làm vườn đòi hỏi sự cần cù, chăm chỉ, và tỉ mẩn nữa. Cây ăn quả phải được chăm sóc theo kỹ thuật, phải phát hiện được vào vụ xuân, cây hay bị bệnh gỉ sắt, trụi lá; khi ra quả, cây dễ bị mò đỏ, làm cho màu của quả xám lại... để dùng các loại thuốc cho đúng. Khi quả thu hoạch, phải giữ cho quả đồng đều, màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon”.

Hiện nay, gia đình anh có 1 mẫu vườn chủ yếu là trồng bưởi Diễn và cam Canh. Ngoài ra anh cũng trồng cây giống để bán cho bà con: xoài, cam, bưởi… Anh dùng đỗ tương để làm phân bón cho cây. Năm 2008, gia đình anh bán 44.000 cây giống có múi; và thu hoạch 6 tấn cam Canh; 7.000 quả bưởi Diễn. Chị Trần Thị Hằng, vợ anh nói rằng: “Đã đăng ký thương hiệu rồi thì chất lượng bưởi của mình phải tốt thì mới bán được. Năm vừa rồi, gia đình tôi bán hết quả trong vườn và còn giúp cho anh em họ hàng nữa. Thế mà vẫn không đủ hàng cho các công ty đặt đấy”.

Kỹ thuật ghép quả trên cây có múi của anh được một số Giáo sư và các nhà chuyên môn ghi nhận thành công. Năm 2008, anh được nhận bằng khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên. Hiện nay, kỹ thuật ghép này được áp dụng đối với loài sinh vật cảnh. Đặc biệt là đối với các loại cây chơi Tết: bưởi, cam, quýt.

Thanh Phương