Ghen tuông giết vợ, vẫn được ông bà nhạc thứ tha

ANTĐ - Giết vợ vì ghen tuông mù quáng. Được con gái và gia đình bên vợ tha thứ. Với phạm nhân án tù chung thân Thái Văn K., đó là sự hạnh phúc và may mắn mà chính K. cũng không bao giờ dám mơ tới.

Giết vợ vì ghen tuông mù quáng. Được con gái và gia đình bên vợ tha thứ. Với phạm nhân án tù chung thân Thái Văn K., đó là sự hạnh phúc và may mắn mà chính K. cũng không bao giờ dám mơ tới. Dù biết ơn số phận đã rộng lượng, tha thứ cho tội lỗi mà mình đã gây ra, nhưng K. bảo lương tâm K. sẽ không thôi cắn rứt, không thôi đau đớn. Cái giá mà K. phải trả là những năm tháng tù đày, là những cơn ác mộng hàng đêm, là nỗi đau của người bố chẳng nhận ra nổi gương mặt của con gái mình. Hai vơ chồng K. lấy nhau và sinh sống ở đảo Phú Quốc cùng với gia đình vợ. K. bảo rằng, sau khi ra tù, anh sẽ quay lại hòn đảo đó, để sám hối với người vợ quá cố cho đến cuối đời.

Câu hỏi đau đớn của oan hồn người chết

Đến thời điểm này, tôi đã được giảm án từ chung thân xuống 20 năm và thêm nhiều lần giảm theo quy định của trại, nhưng mỗi khi nghĩ đến ngày về, tâm trạng của tôi vẫn rất hỗn độn, vừa vui mừng, vừa lo sợ, vừa khao khát tự do, vừa sợ hãi đối diện với những ám ảnh tội lỗi. Ở trong tù, dù sao tôi cũng có cảm giác của một người đang chuộc lỗi, đang trả giá. Tôi chỉ sợ đến lúc về, không có sự động viên của các cán bộ quản giáo, không có công việc cải tạo khỏa lấp, tôi sẽ không biết làm gì để đối diện với nỗi ân hận, giày vò của mình.

Cứ thỉnh thoảng tôi lại mơ thấy vợ. Cô ấy gầy, xanh xao, gương mặt vẫn còn loang lổ máu từ trên đầu chảy xuống. Cô ấy nhìn tôi, ứa nước mắt, ấm ức hỏi tôi, tại sao anh lại giết em? Những lúc đó tôi chỉ đứng chết trân, hoàn toàn không thể trả lời câu hỏi đó. Tại sao tôi lại giết vợ mình? Mười mấy năm trong tù và có lẽ đến tận sau này cũng vậy, tôi có lẽ cũng chẳng bao giờ trả lời được câu hỏi nghiệt ngã đó...

Đầu những năm 90, vì cuộc sống quá khó khăn, tôi bỏ quê nhà ra đảo Phú Quốc lập nghiệp. Tôi mua các thứ hàng hóa vặt từ đất liến ra rồi buôn bán trên đảo. Vợ tôi là con gái đảo, sinh ra và lớn lên ở đó, rất mặn mòi và có duyên. Cứ mua đi bán lại hàng hóa, sau vài ba câu chuyện mà chúng tôi quen nhau rồi trở nên thân thiết lúc nào không hay. Tình yêu nảy nở rất nhanh, chỉ chưa đầy 1 năm sau, chúng tôi đã nên vợ nên chồng rồi sinh ra đứa con gái đầu lòng. Tôi là người xứ lạ đến, chẳng có đất đai gì trên đảo, ba mẹ vợ cắt cho tôi một mảnh đất gần nhà, sống quây quần với anh chị em nhà vợ. Ba mẹ vợ thương tôi lắm, coi tôi như con trai trong nhà, có cái gì ngon cũng mang sang cho, các anh chị trong nhà hà hiếp cũng đứng ra bênh tôi.

 

Cuộc sống với gia đình vợ dù thuận hòa cũng khó tránh những lúc "cơm không lành, canh không ngọt". Tôi cùng anh vợ đi buôn hàng, có lúc được lúc mất, quyền lợi lại phân chia không đều nên 2 anh em xảy ra xô xát. Những lúc như thế, tâm lý mặc cảm về thân phận ở rể lại trỗi dậy, khiến tôi có thái độ hằn gắt, nóng nảy với vợ. Chỉ cần một câu nói trêu đùa vu vơ của vợ "ba mẹ tôi mời con rể quý sang ăn cơm kìa" hay "anh là rể thì cũng nên biết nhường nhìn anh chị trong nhà một xíu" cũng đủ khiến tôi tức tối, nóng giận, cho rằng vợ coi thường mình.

Như một vết thương bị dao cứa, cứ mãi không chịu lành lại mà ngày càng mưng mủ. Tôi càng ngày càng nghĩ rằng cả vợ và gia đình vợ đêu coi khinh tôi vì tôi là một thằng ở rể, sống dựa dẫm vào nhà vợ, thân cô thế cô, cũng chẳng có tài cán gì. Sau mỗi lần như thế, tôi uống rượu nhiều hơn, rồi về nhà thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Lúc say thì tôi côn đồ, lúc tỉnh rượu tôi lại ân hận, lại tìm mọi cách xin lỗi, làm lành với vợ. Vợ tôi cũng hiền lành, nên bỏ qua cho tôi hết lần này đến lần khác.

Mặc cảm khiến tôi bắt đầu trở thành một người đàn ông xấu tính, ghen tuông. Chỉ cần vợ đi đâu vài phút, tôi cũng ghen. Vợ mặc một bộ đồ mới cũng ghen, vợ soi gương cũng ghen. Thậm chí ngay cả khi vợ tôi ngồi hát vu vơ một mình, vừa hát vừa cười cũng khiến tôi "sôi máu". Mỗi lúc như thế, tôi lại nghĩ vợ đang dan díu với một người đàn ông nào đó. Ý nghĩ ấy cứ dần dà ăn sâu, bám rễ vào đầu óc tôi, khiến tôi ngày đêm tìm cách theo dõi vợ.

Ngày hôm đó, vợ chồng tôi có lời ra tiếng vào. Nghĩ vợ không yêu mình, tôi lại đi uống rượu đến tận tối mịt, về nhà là lăn ra ngủ. Đến tận khuya mới tỉnh dậy, không thấy vợ đâu, lúc đó đầu óc mụ mị, rượu cũng chưa tỉnh, tôi đã nghĩ ngay là cô ấy đi bồ bịch léng phéng ở đâu nhân lúc tôi say rượu. Tôi điên cuồng chạy khắp nơi tìm vợ, một lúc sau thì thấy cô ấy cười nói rôm rả trong một nhà hàng xóm. Cơn ghen khiến tôi tối tăm mặt mũi. Không bắt được quả tang vợ ngoại tình, tôi lại đau đớn suy ra là trong lúc tôi say rượu, cô ấy đã vui vẻ chán rồi mới quay về đây.

Tôi vào nhà hàng xóm, lôi vợ về, vừa lôi vừa chửi. Vợ tôi chắc cũng chịu đựng riết đâm mệt mỏi. Cô ấy mắng tôi vài câu xúc phạm. Máu nóng ngùn ngụt bốc lên đầu, tôi chẳng kịp bình tĩnh nghĩ mình đang hành động gì, dùng cái chày đập ngay vào đầu vợ. Lúc sực tỉnh ra, tôi hốt hoảng mang vợ đi cấp cứu mà không kịp. Lúc biết vợ đã chết, tôi lên công an đầu thú, nghĩ rằng chỉ có cách này mới chuộc lại được lỗi lầm của mình. Bao nhiêu năm qua, tôi mới nhận ra mình nhầm. Án tù đã trả gần xong, nhưng mặc cảm tội lỗi thì chưa một ngày nào tôi quên được. Đến bây giờ, tôi vẫn mơ thấy vợ, vẫn nghĩ về vợ hàng đêm.

Sự tha thứ ngọt ngào và lời sám hối trong nước mắt

Sau khi vợ chết, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên tôi án tù chung thân. Tôi không kháng án, không thanh minh, mà cúi đầu cam chịu mức án đó. Ngày tòa xử, gia đình bên vợ không một ai có mặt, nhưng đã làm đơn yêu cầu phạt tôi mức án cao nhất. Tôi không buồn, vì nghĩ tội mình đáng chết. Có tù chung thân hay tử hình thì tôi cũng không kháng án. Tôi cũng hiểu rằng, người tôi giết không chỉ là vợ mình, mà là con của người ta, em gái của người ta, nên sự oán hận mà gia đình vợ dành cho tôi, tôi hoàn toàn chấp nhận. Điều an ủi duy nhất là dù căm hận tôi, bố mẹ vợ tôi vẫn đứng ra nuôi nấng con gái tôi chu đáo, lo cho cháu ăn học đầy đủ.

Đến tận 3 năm sau khi ở tù, tôi vẫn nghĩ đời mình sẽ chẳng bao giờ ra khỏi đây, nghĩ mình sẽ mãi mãi bị gia đình bên vợ nguyền rủa. Thế nên cái ngày mà anh vợ tôi dẫn con gái tôi đến thăm, mua cho tôi chút quà, gửi cho tôi vài lọ ruốc, lọ vừng do chính tay mẹ vợ tôi làm thì tôi chỉ biết khóc. Tôi ngồi ăn miếng bánh anh vợ mua, nếm hộp thịt do mẹ vợ làm mà ứa nước mắt. Thấy nó vừa ngọt vừa đắng, vừa hạnh phúc vừa đau đớn, vừa vui mừng, vừa hổ thẹn. Tôi vừa khóc vừa hỏi ông anh vợ tôi: "Anh tha thứ cho em rồi sao? Mẹ cũng tha thứ cho em rồi sao? Cả gia đình đều tha thứ cho em hết sao?"

Anh vợ tôi chỉ cười buồn, bảo chuyện qua rồi, nhà ai cũng giận chú, nhưng cũng thương chú bồng bột. Giờ mọi chuyện nguôi ngoai, gia đình sẽ đi thăm nuôi chú thường xuyên. Chú cải tạo tốt rồi sớm trở về chăm lo cho con gái chú. Nó đã mất mẹ, đừng để nó thiếu thốn tình cảm của cha quá nhiều.

Từ đó đến nay, hơn 10 năm trời, 1 năm vài lần, anh chị em bên vợ lại thay nhau đưa con gái tôi lặn lội từ đảo Phú Quốc về đất liền, vượt hàng trăm cây số đến thăm tôi. Sự tha thứ của gia đình vợ và hạnh phúc được gặp con gái mỗi năm vài lần, chứng kiến nó lớn dần lên, từ một đứa trẻ thành một cô thiếu nữ xinh đẹp, đó là động lực lớn cho tôi trong nhiều năm liền đều cải tạo tốt và được giảm án xuống còn 20 năm. Điều may mắn nhất của tôi là con gái tôi, dù từ bé đã biết chuyện ba giết mẹ nó, nhưng nó không những không oán hận mà rất thương ba, lần nào lên cũng lấy đôi bàn tay nhỏ xíu vuốt lên tóc ba rồi khóc, bảo ba ơi, sao dạo này ba gầy thế, tóc ba bạc đi nhiều thế, 2 ba con cứ thế nói chuyện rông dài cho đến hết giờ thăm nuôi.

Ở trong này, tôi thấm thìa nỗi đau đớn và sự bất lực của người cha, khi mà không thể chăm lo cho con gái mình, chứng kiến nó lớn lên từng ngày, chứng kiến nó vui buồn, đau khổ và hạnh phúc, thấy nó vấp ngã và nâng nó dậy. Có lần, cán bộ trại bảo tôi, có người nhà thăm gặp, gặp con gái. Tôi ra nhìn tới nhìn lui một hồi rồi nghĩ bụng, kì vậy ta, sao chẳng thấy con gái mình đâu, chỉ nhìn thấy một cô bé đang ngồi đó, lúi húi xếp đồ, vừa quen vừa lạ mà không dám nhận. Đến lúc anh tôi bước vào, bảo con chú kìa, sao không nói chuyện với nó, tôi mới ngỡ ngàng. Mấy tháng không gặp mà nó lớn phổng lên, từ đứa trẻ thành một cô thiếu nữ. Cứ có cảm giác như nó hoàn toàn ở xa tầm tay với của mình. Đó là điều đau đớn nhất trong quãng đời làm bố của tôi.

Con gái tôi giờ đã lớn, đã biết đưa bạn trai vào trại thăm bố, giới thiệu với bố. Thấy con không hổ thẹn vì có người bố tù tội như mình, tôi hạnh phúc lắm, chỉ hi vọng mình sẽ kịp ra khỏi đây trước khi con gái lên xe hoa về làm dâu nhà người ta. Hết hạn tù, tôi sẽ về Phú Quốc, chăm lo cho phần mộ của vợ rồi ở bên cạnh hầu hạ, phung dưỡng mẹ vợ, như một cách để chuộc lỗi. Tội lỗi tôi đã gây ra, đến tận lúc chết cũng không gột rửa được, không quên đi được. Tôi chỉ hi vọng có thể làm hết sức mình, để đến lúc nhắm mắt xuôi tay, gặp vợ dưới suối vàng, tôi có thể thanh thản nói câu xin lỗi vợ, để vợ tôi hiểu, tôi đã dành trọn những năm tháng sau này của đời mình để sám hối với cô ấy.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Thái Văn K.- trại giam Phước Hòa