“Ghé vai” gánh vác

ANTĐ - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, nguyên nhân khiến một số lượng lớn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là do chi phí sản xuất kinh doanh quá cao. Đó là điều tất nhiên trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, tiếp cận vốn vay khó khăn. Hơn thế, những đợt liên tiếp tăng giá đầu vào xăng dầu, điện càng khiến doanh nghiệp lao đao, cạn sức chịu đựng. Lãi suất huy động tuy có hạ 1% chưa thể mang lại hiệu ứng tích cực nơi doanh nghiệp.

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố báo cáo đề dẫn “Hướng tới một khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn”. Trong đó nhấn mạnh, nước ta đã trải qua hơn bốn năm liên tục đối diện với bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh bất lợi của kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã phơi lộ những nhược điểm về mô hình tăng trưởng và cấu trúc kinh tế nước ta.

Do vậy, định hướng vĩ mô của nước ta đã được Chính phủ xác định phải tập trung đột phá mạnh mẽ vào ba “điểm nghẽn” là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó mũi nhọn là khu vực doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Hiện nay, doanh số của 10 tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn nhất chiếm tới 37,3% GDP, so với 9,4% của Trung Quốc, 19% của Đài Loan (Trung Quốc), 8% của Brazil và 25% của Mexico. Mức độ phân tán / tập trung của các tập đoàn Việt Nam cũng ở mức cao 6,4 so với Trung Quốc là 2,3; Hàn Quốc 1,7; Thái Lan là 3,5… Chỉ số này càng lớn càng chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư khá tràn lan, không chuyên sâu vào lĩnh vực có thế mạnh. Vì vậy, đã đến lúc phải xác định lại vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, trong đó công bố rõ các nhóm doanh nghiệp hoạt động công ích, doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, đồng thời thúc đẩy mạnh tái cấu trúc.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 3 năm nay, tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành đề án tái cấu trúc của mình. Ngay trong quý I này, các bộ quản lý ngành và tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 trình Thủ tướng; tổng công ty 90 và doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trình bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phê duyệt phương án tái cơ cấu của đơn vị mình. Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) bày tỏ lo ngại rằng, những kinh nghiệm hữu ích về tái cấu trúc chưa được tích lũy nhiều; vấn đề giải quyết, sắp xếp việc làm, lao động dư thừa không dễ dàng, thuận lợi. Chưa kể có thể phát sinh các khoản chi phí lớn như các khoản nợ khó đòi, khoản lỗ… Quyết tâm tái cấu trúc của các bộ, ngành và doanh nghiệp đã rõ, song điều quan trọng nhất là nội bộ doanh nghiệp. Khi quyết định đầu tư bao giờ cũng dễ hơn khi thoái vốn và tự mình “cắt bỏ” những ngành nghề dễ kiếm lợi. Lường trước những thách thức này, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt. Tái cấu trúc về chiến  lược, mô hình tổ chức, quản trị nội bộ, tái cấu trúc tài chính, nhân sự. Đến năm 2015, giảm khoảng 45% vốn Nhà nước trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước.

Một chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trước khi tái cơ cấu phải “nuôi dưỡng” các doanh nghiệp tư nhân đủ lớn mạnh, đủ tầm vóc “ghé vai” gánh vác gánh nặng từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang. Bản thân những doanh nghiệp còn được nắm giữ một số lĩnh vực độc quyền Nhà nước cũng buộc phải minh bạch tính độc quyền ra.