Gây tai nạn rồi bỏ chạy, có nên xem xét là hành vi giết người?

ANTD.VN - Có những vụ tai nạn giao thông (TNGT), người bị nạn nếu như được cấp cứu kịp thời thì có thể đã qua cơn nguy kịch. Dù biết vậy, nhưng nhiều trường hợp lái xe gây tai nạn vẫn bỏ chạy khỏi hiện trường, trốn tránh trách nhiệm.

“Tai nạn là điều chẳng ai mong muốn, nhưng nếu như các lái xe gây tai nạn biết dừng lại, cấp cứu các nạn nhân thì có lẽ  nạn nhân lại không tử vong; hoặc chí ít cũng khiến cho nạn nhân, gia đình họ giảm đi phần nào nỗi đau” - Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội CSGT số 5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội chia sẻ.

Gây tai nạn rồi bỏ chạy, có nên xem xét là hành vi giết người? ảnh 1Nhiều lái xe sử dụng bia rượu, thậm chí không có bằng lái xe... đã gây tai nạn liên hoàn

Nỗi đau nhân đôi

Hai ngày… đó là khoảng thời gian đầy khó khăn của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng và chị Nguyễn Thị Thảo. Không chỉ anh Thắng, chị Thảo đang phải tự chiến đấu giành lại mạng sống, sức khỏe cho mình, mà chính những người thân yêu của họ cũng phải chạy đôn, chạy đáo lo từng viên thuốc, thủ tục… kể từ giây phút 2 nạn nhân này ngã xuống đường bất tỉnh vì TNGT xảy ra vào rạng sáng 27-3. 

Thời điểm ấy, anh Thắng điều khiển xe máy chở chị Thảo phía sau đang di chuyển trên phố Đinh Tiên Hoàng đã bị một chiếc ô tô húc văng. Cú đâm rất mạnh khiến 2 người ngã xuống đường, bị chấn thương nặng và bất tỉnh. Đáng nói, lái xe ô tô gây tai nạn tiếp tục nhấn ga, bỏ chạy khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân nằm trên vũng máu chẳng biết sống chết ra sao. May mắn, cả 2 nạn nhân đã được người dân gọi xe cấp cứu nhanh chóng đưa vào bệnh viện.

Dù không ai tử vong, song vụ TNGT liên hoàn xuất phát từ chiếc xe Innova trên đường Tố Hữu, đoạn gần ngã tư Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cách đó ít ngày cũng khiến những nạn nhân và người dân chứng kiến không khỏi bất bình.

Nguyên nhân vụ tai nạn do chiếc Innova phóng với tốc độ rất nhanh, bất ngờ đâm mạnh vào đuôi xe ô tô phía trước, húc tiếp vào đuôi 2 chiếc xe khác. Ngoài một người đi xe máy bị thương nặng, các phương tiện bị chiếc xe Innova này đâm cũng bị hư hỏng, nát đầu, đuôi xe. Và một kịch bản bỏ chạy đã được lái xe này áp dụng như vụ tai nạn  nêu trên. 

Tăng chế tài xử phạt

Căn cứ theo quy định tại các điểm a, b - khoản 1, Điều 38 - Luật Giao thông đường bộ 2008 về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm phải dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất. Đối với những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn, tùy loại phương tiện điều khiển mà có mức xử phạt khác nhau theo Nghị định 46/2016/ NĐ-CP.

Tại sao nhiều lái xe sau khi gây tai nạn lại bỏ chạy, trong khi luật quy định rất rõ phải dừng lại, cấp cứu các nạn nhân cũng như trình diện cơ quan chức năng khi có yêu cầu?

Trả lời cho câu hỏi này của chúng tôi, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đánh giá: “Có tới 100% vụ TNGT này đều “có vấn đề” với lái xe gây tai nạn. Qua phân tích có tới hơn 70% các lái xe không làm chủ tốc độ, sử dụng bia, rượu, thậm chí không có giấy phép lái xe. Dù biết là tai nạn xảy ra không ai mong muốn, song với những “vấn đề” như trên, các lái xe này đều cố sống cố chết bỏ chạy bằng được nhằm trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật”.

Cũng theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài, trong quá trình bỏ chạy, nhiều lái xe còn tiếp tục gây tai nạn. Thông thường, thời điểm gây tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào buổi tối, ban đêm, thời điểm hoặc ở những nơi vắng người qua lại. Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cùng với những yếu tố “thuận lợi” trên, các lái xe này càng dễ dàng bỏ chạy để rũ bỏ trách nhiệm với người bị nạn. 

“Cần phải xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi, lái xe gây tai nạn rồi không cần biết nạn nhân sống chết ra sao để bỏ chạy thoát tội. Đây không phải là hành vi vô ý, hoảng sợ mà cần phải nhìn nhận ở góc độ trốn tránh trách nhiệm và có thể xem xét đây là hành vi giết người” - Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt bức xúc. 

(Họ tên các nạn nhân đã được thay đổi)