Gây ô nhiễm nguồn nước có thể bị phạt tù tới 7 năm

ANTD.VN -Về vụ đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà, mới đây Cơ quan CSĐT – CAH huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 BLHS 2015 sửa đổi. Liên quan đến sự việc này, dư luận đặt câu hỏi, mức hình phạt đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà ra sao?

Đối với vụ đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà, được biết cơ quan chức năng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, đang xác minh, truy tìm thủ phạm đã xả dầu thải ra môi trường. Số liệu thống kê cho thấy, hiện có khoảng 250.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Về hành vi gây ô nhiễm môi trường, Điều 235 BLHS 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm:

Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000-dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật...

Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 500 kilôgam đến dưới 1.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật...

Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên...

Nhiều người dân phải xếp hàng xin nước do nguồn nước sông Đà ô nhiễm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 1-3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền tới 20 tỷ đồng hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Phân tích cấu thành tội phạm, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi phạm tội xâm phạm các quy định của Nhà nước về sự trong sạch của nước, đất, không khí. Về mặt khách quan, các chủ thể có hành vi chôn, lấp, đổ, thải, xả thải vào môi trường các chất ô nhiễm. Biểu hiện hành vi của tội gây ô nhiễm môi trường đều thực hiện dưới dạng hành động.

BLHS 2015 sửa đổi cũng đã quy định mức định lượng cụ thể đối với hành vi chôn, lấp, đồ, thải ra môi trường chất thải nguy hại: Từ 1.000-dưới 3.000 kg (Điểm a, Khoản 1); Xả thải ra môi trường từ 500 m³/ngày-dưới 5.000 m³/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5-dưới 10 lần hoặc từ 300 m³/ trên ngày-dưới 500 m³/trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên” (Điểm c Khoản 1 Điều 235)…

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội này: Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng…

 Chủ thể của tội gây ô nhiễm môi trường là bất kỳ những người nào, đủ độ tuổi theo luật định và có đầy đủ năng lực TNHS và pháp nhân thương mại, thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.