Gây họa cho môi trường hòa bình, môi sinh Biển Đông

ANTĐ - Trung Quốc được hình dung như một “kẻ hủy diệt” trên Biển Đông do không chỉ hủy hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái khi xây các đảo nổi nhân tạo mà còn gây họa cho môi trường hòa bình, ổn định và an ninh tại vùng biển chiến lược này.

Gây họa cho môi trường hòa bình, môi sinh Biển Đông ảnh 1Hoạt động nạo vét và bồi đắp quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hủy diệt hệ sinh thái biển

Trong bài “Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo như thế nào” đăng trên trang tin cogitASIA thuộc Chương trình Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ mới đây, ông John McManus - Giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami (Mỹ) đã cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm hủy hoại môi trường sinh thái biển. Giáo sư McManus đã phân tích rõ cách Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô xinh đẹp tại Biển Đông.

Theo bài báo, những tác động của việc nạo vét, bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang làm dấy lên quan ngại đặc biệt vì các đảo san hô ở đây có chức năng kết nối giữa các rạn trong toàn khu vực và sự đa dạng sinh học cao chính là điều kiện đảm bảo cho nhiều loài sinh vật tại đây tồn tại.

Trong khi đó, tại các đảo san hô ở đây có tới hơn 6.500 loài sinh vật biển, trong đó có 571 loài sống trong các rạn san hô, chiếm hơn một nửa số loài sinh vật cư trú tại các rạn san hô được biết đến trên thế giới. Bên cạnh đó, các đảo san hô còn được xem là nơi cư trú an toàn cho một số loài sinh vật biển có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. 

Vì thế, các hoạt động nạo vét ồ ạt, quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loài sinh vật biển mà còn vi phạm các cam kết về việc bảo tồn đa dạng sinh học quy định tại Công ước về đa dạng sinh học và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Ước tính, để bồi đắp được 10,7km2 diện tích đảo nhân tạo, Trung Quốc đã hủy hoại một khu vực diện tích san hô rộng lớn lên tới 11,6 km2 và diện tích đất tôn tạo trên thực tế nhỏ hơn so với diện tích rạn san hô bị phá hủy.

Theo bài báo, bảo vệ các rạn san hô ở Biển Đông là đòi hỏi cấp bách, là trách nhiệm của mọi người và cần sự chung tay của tất cả các bên tranh chấp. Hơn thế, hoạt động đơn phương của các bên tranh chấp ở Trường Sa rất dễ tạo ra xung đột quốc tế, từ đó có thể gây hậu quả khó lường cho hệ sinh thái, đồng thời gây thiệt hại không thể phục hồi đối với các rạn san hô được coi là tài sản thiên nhiên độc đáo của khu vực và thế giới.

Những hoạt động đơn phương bồi đắp, cải tạo rạn san hô, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo rồi tiến hành quân sự hóa, biến chúng thành căn cứ quân sự chính là những ngòi nổ vô cùng nguy hiểm trên Biển Đông. Khi bài báo trên vừa đến tay bạn đọc thì tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin từ quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang sẵn sàng thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc toan tính thiết lập ADIZ nhằm khống chế cả vùng trời và vùng biển trên khu vực Biển Đông chiến lược được xem là hành động leo thang quân sự hóa mới của Bắc Kinh, sau khi đã có những động thái chuẩn bị như xây dựng đường băng dài 3.000 m trên đảo nổi nhân tạo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cùng những căn cứ khác trên các đảo nhân tạo được bồi đắp thời gian qua. Trung Quốc vì thế đang trở thành “kẻ hủy diệt” cả môi trường sinh thái và môi trường hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông.