Gay cấn và mãn nhãn với "Kong: Skull Island"

ANTD.VN - Những thước phim gây ấn tượng mạnh không chỉ bởi sự gay cấn và kịch tính về nội dung mà còn bởi sự đồ sộ, hoành tráng và vẻ đẹp hoang sơ lạ lùng của bối cảnh quay. Điều kỳ diệu là có đến gần 80% bối cảnh quay bộ phim này được thực hiện tại Việt Nam.

Siêu phẩm của dòng phim kinh dị viễn tưởng nói về loài quái thú khổng lồ “Kong: Skull Island” (tên tiếng Việt “Kong: Đảo đầu lâu”) đã có buổi công chiếu ra mắt khán giả vào tối qua 9-3. Những thước phim gây ấn tượng mạnh không chỉ bởi sự gay cấn và kịch tính về nội dung mà còn bởi sự đồ sộ, hoành tráng và vẻ đẹp hoang sơ lạ lùng của bối cảnh quay. Điều kỳ diệu là có đến gần 80% bối cảnh quay bộ phim này được thực hiện tại Việt Nam.

“Kong: Đảo đầu lâu” lấy mốc thời gian từ cuộc thế chiến thế giới thứ 2 để bắt đầu cuộc hành trình dài 120 phút phim. Người lính ở hai đầu chiến tuyến đã có cuộc truy sát nhau đến cùng ngay cả khi chiếc máy bay chiến đấu chở mình rơi xuống hòn đảo bí ẩn.

Câu chuyện về cuộc truy sát được bỏ lửng khi Kong bất ngờ xuất hiện. Hơn 30 năm sau, vào những ngày cuối của chiến tranh tại Việt Nam, giữa lúc chính phủ Mỹ đang bận rộn hoàn tất việc rút quân tại Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hai thành viên của tổ chức bí mật Monarch – tổ chức khoa học nghiên cứu về việc săn quái vật đã thuyết phục nhà cầm quyền cử một toán binh linh cùng mình đến đảo Đầu Lâu – hòn đảo bí ẩn nhất thế giới nằm ở châu Á – Thái Bình Dương.

Mào đầu bằng câu chuyện chiến tranh nhưng “Kong: Đảo đầu lâu” lại không phải bộ phim làm về đề tài chiến tranh. Nói đúng hơn, xuyên suốt phim là những cuộc chiến đấu nhưng là cuộc chiến giữa con người với những hiện tượng thiên nhiên kỳ quái, những loài quái thú khổng lồ; là sự đối đầu giữa Kong với toán binh lính đang cố công tiêu diệt mình bằng mọi giá; là cuộc chiến sinh tồn giữa Kong với loài thằn lằn xương sọ để bảo vệ lãnh thổ của mình, bảo vệ tính mạng cho con người – những vị khách không mời nhưng đến “thả bom” trên hòn đảo mà Kong được tôn là lãnh chúa.

Bộ phim khiến khán giả, nhất là khán giả Việt Nam liên tưởng đến câu chuyện về những cuộc chiến tranh mà con người tự mang đến cho nhau,cũng theo cách bỗng nhiên mang bom mìn thả xuống vùng lãnh thổ của người khác và rút lui sau khi nhận ra điều sai trái mà mình đã gây ra. Những thước phim còn khiến người xem xúc động bởi câu chuyện về tình bạn, tình đồng đội và cao hơn cả là tình cảm rất “người” ẩn sâu trong trái tim một con quái thú.

Trong “Kong: Đảo đầu lâu”, nhân vật quái thú Kong hiện lên đáng yêu nhiều hơn đáng sợ. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts vẫn trung thành với hình mẫu Kong trong các phiên bản phim cũ khi xây dựng hình ảnh Kong đứng bằng hai chân và đi lại như người. Có điều, Kong trong bộ phim này có kích cỡ “khủng” nhất trong số các chú Kong từng xuất hiện trong Hollywood từ trước tới nay khi cao tới hơn 30m.

Cũng giống như nhân vật Kong từng được xây dựng trong phiên bản phim năm 1976 trước đây, chú Kong trong “Kong: Đảo đầu lâu” cũng đem lòng cảm mến một cô gái. Hình ảnh Kong dùng bàn tay khổng lồ của mình vớt cô nhiếp ảnh gia chiến trường từ dưới đáy biển lên và bằng mọi giá bảo vệ cô khỏi loài thằn lằn xương sọ khổng lồ có thể nói là hình ảnh xúc động và lãng mạn nhất trong phiên bản phim lần này. Tuy nhiên cái kết của Kong ở “Kong: Đảo đầu lâu” như nhiều người nói vui là “không bị chết vì giai nhân”.

Không quá khi nói rằng “Kong: Đảo đầu lâu” đã khiến ngay cả khán giả Việt Nam – nơi được chọn làm bối cảnh quay chính của bộ phim cũng phải sửng sốt và ngỡ ngàng. Mặc dù có sự tác động của công nghệ kỹ xảo nhưng dường như các yếu tố máy móc chủ yếu hướng tới việc tạo hình các nhân vật quái thú.

Người xem có thể dễ dàng nhận ra những hình ảnh rất quen thuộc ở những địa danh nổi tiếng của Việt Nam ở trên phim, từ vịnh Hạ Long, khu vực Cống Lá (Ba Hang, Quảng Ninh), quần thể danh thắng ở Tràng An, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở đầm Vân Long, sông Ngô Đồng (Ninh Bình), hệ thống hang động kỳ vĩ của Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình). Trong đó, hình ảnh về những đàn cò trắng bay rợp trời qua xử lý kỹ xảo được biến thành những sinh vật có hình thù kỳ dị nhưng vô cùng ấn tượng.

Đặc biệt còn phải kể đến sự góp mặt và diễn xuất xuất thần của những diễn viên quần chúng Việt Nam. Gọi là diễn xuất nhưng thực ra chỉ có một diễn viên Việt duy nhất lên tiếng ở phân đoạn đầu phim với bối cảnh là tại một sòng bạc ở Sài Gòn. Nhân vật này vào vai một tên lưu manh giang hồ định chặn tiền của James Conrad (Tom Hiddleston) và thoại một vài câu tiếng bằng tiếng Việt.

Những người Việt còn lại xuất hiện trong phim ở phân đoạn sau, bối cảnh tại ngôi làng ở đảo Đầu Lâu – nơi mà mọi người đều không bao giờ cười và việc duy nhất họ phải diễn xuất trước ống kính máy quay là giữ vẻ mặt không biểu  lộ cảm xúc ra bên ngoài. Trước đó khi tuyển diễn viên quần chúng tại Việt Nam, thử thách mà đoàn làm phim đưa ra là yêu cầu mọi người thử biểu lộ cảm xúc sợ hãi trên gương mặt của mình.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts từng chia sẻ trên một trang báo quốc tế rằng ban đầu ông định chọn Thái Lan làm bối cảnh quay và cũng đã lùng sục khắp thế giới với mong muốn tìm ra không gian tươi mới cho bộ phim. Tuy nhiên sau khi đến Việt Nam và nhìn thấy phong cảnh nơi đây, ông đã thực sự bị chinh phục bởi vẻ đẹp siêu thực của nơi này. Vị đạo diễn lừng danh Hollywood cho rằng đây chính là vẻ đẹp mà khán giả đại chúng chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh trước đây.

“Kong: Đảo đầu lâu” đã thực sự chinh phục người xem khi mang đến 120 phút phim gay cấn đến nghẹt thở nhưng đẹp như trong mơ.