"Gấu bay" Tu-95MS Nga: 60 năm vẫn khiến Mỹ lo ngại

ANTD.VN - Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga có khả năng mang 15 tấn bom đạn, đặc biệt là tên lửa hành trình Kh-101 và phiên bản có gắn đầu đạn hạt nhân Kh-102. Vì vậy, dù đã 60 tuổi, loại máy bay này vẫn khiến Mỹ phải e ngại.

Sau khi thử nghiệm thành công và nghiệm thu đưa vào trang bị những năm 1956 -1957, cùng với bộ đôi máy bay ném bom khác là “Thiên Nga trắng” Tu-160 Blackjack và Tu-22 Backfice, Tu-95 Bear đã trở thành một trong những biểu tượng về sức mạnh quân sự của Liên bang Xô viết.

Không ít những chuyên gia phương Tây cho rằng, máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95MS Medved của Nga (NATO định danh là “Bear-H”) hiện đang ở tình trạng “lỗi thời đến tuyệt vọng”. Tuy nhiên, có những chuyên gia quân sự Mỹ lại không cho là như vậy.

Chuyên gia Sebastian Roblin của tờ tạp chí “Lợi ích Dân tộc” (The National Interest) của Mỹ nhận xét, loại máy bay ném bom được mệnh danh là “Gấu bay” của hãng Tupolev - Nga, có tuổi đời quá nửa thế kỷ vẫn có thể mang đến những bất ngờ khó chịu cho những đối thủ của nó.

Tác giả bài viết thừa nhận rằng, hình dáng bên ngoài của loại máy bay mang tên lửa hành trình này dường như là "đưa nhân loại quay lại thời tiền sử" (hiện Tu-95MS là loại máy bay ném bom duy nhất còn sử dụng động cơ phản lực cánh quạt), thế nhưng diện mạo bề ngoài không thể hiện đúng sức mạnh của nó.

Tu-95 tiếp tục phục vụ suốt 60 năm, bởi một lẽ giản đơn là không có máy bay nào đủ khả năng thực hiện chuyến bay siêu dài, ở khoảng cách siêu xa, khi mang trọng tải chiến đấu lớn. Ngoài ra, Tu-95MS được coi là một trong những máy bay phản lực cánh quạt bay nhanh nhất trong lịch sử hàng không.

Máy bay ném bom chiến lược với phi hành đoàn 9 người có thể mang theo tải trọng đến 15 tấn bom đạn. Với 4 động cơ phản lực cánh quạt NK-12 công suất 15.000 mã lực, chiếc Tu-95 với tổng tải trọng khổng lồ lên tới 185 tấn có thể đạt tới vận tốc 800km/h.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga có thể mang 8 tên lửa hành trình Kh-101 hoặc Kh-102

Tác giả tán dương Tu-95 không khác gì một chiếc “B-52 kiểu Nga”, nhưng thiên về phục vụ hải quân và có thể làm khốn đốn hệ thống phòng không của các nước ven biển ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Ông Roblin cho rằng, đương nhiên là "Gấu bay" không phải là loại máy bay tàng hình và khó lòng sống sót khi gặp phải các phương tiện phòng không hiện đại, nhưng nhờ hệ thống vũ khí mới mà chiếc máy bay này có thể chuyển sang “vòng đời thứ hai”.

Việc được trang bị các tên lửa hành trình tầm xa và siêu xa như Kh-555 hay Kh-101 (tầm phóng 3500km và 5500km, có gắn đầu đạn hạt nhân) giúp "ông lão" Tu-95MS có thể tuyệt đối an toàn, vì nó không cần tiến đến bất cứ gần hệ thống phòng không nào mà vẫn hủy diệt được các mục tiêu mặt đất của đối phương.

Hiện nay, Lực lượng Hàng không-vũ trụ Nga đang sử dụng biến thể mới nhất của dòng máy bay này là Tu-95MS/MSM. Tu-95MS vẫn là nòng cốt trong “bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược” của Nga. Chính vì thế, nó vẫn là mối nguy hiểm lớn nhất, thường trực nhất đối với liên minh NATO.

Thực tế trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria vừa qua, lực lượng không quân chiến lược Nga đã không ít lần sử dụng máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-160M2 để phóng tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101 từ khoảng cách hàng nghìn km vào phá hủy các mục tiêu khủng bố ở Syria.