Gạt bỏ biến thái để Chầu văn được toàn vẹn

ANTĐ - Ngay sau khi hát Văn vừa được Bộ VH-TT&DL chính thức đưa vào danh sách 12 di sản phi vật thể nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đã có nhiều thắc mắc có nên đưa hầu đồng vào như một thành tố không thể tách rời trong khi bản thân hát Văn vẫn có thể đứng độc lập. 

Một buổi diễn xướng hầu đồng tại đền Lảnh Giang (Hà Nam)

Không hiểu, nhưng vẫn… theo

Rút kinh nghiệm từ việc mở cửa tự do buổi nói chuyện về hầu đồng do Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức năm 2010, trong lần trình diễn hát Văn này (ngày 6 và 7-11-2012) Trung tâm Văn hóa Pháp quyết định hạn chế khán giả bằng việc bán 120 nghìn đồng/vé, vậy mà ai chậm chân cũng không còn mà mua. Đêm trình diễn, khán phòng chật ních người. Đề phòng “vỡ chương trình”, Ban tổ chức phải đóng cửa khi giờ diễn bắt đầu. Tiếng la ó, đập cửa rầm rầm đòi vào của khán giả rốt cuộc đã thắng. BTC cực chẳng đã lại phải mở cửa với lời giao hẹn: “Vào là phải đứng đấy nhé!”. 

Hát Chầu văn, còn gọi là hát Văn xuất xứ từ đồng bằng Bắc bộ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát Văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, hát Văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh (hay còn được biết là tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng Tứ phủ).  Có giả thiết cho rằng hát Văn bắt nguồn từ việc các con nhang đệ tử, thủ nhang đồng, đền và đặc biệt là các thầy cúng chuyên khấn những bài khấn tứ phủ. Để cho dễ nhớ họ đã khấn theo thể lục bát và sau này thành những lời ca trong điệu Chầu văn. Một số giả thiết khác thì khẳng định, hát Văn ra đời từ việc thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. 

Từng có một thời gian dài tín ngưỡng thờ Mẫu bị hiểu sai và quy vào “tội mê tín dị đoan”. Vài chục năm trở lại đây, việc cấm đoán đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, theo thời gian, các bậc nghệ nhân (cung văn) mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã qua thế giới bên kia mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối. Những nghệ nhân còn lại, đa số  ngại xuất hiện vì “quá khứ ám ảnh”. 

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian, sau một thời gian dài bị hiểu nhầm, cho đến thời điểm này, hầu đồng hay tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn bị bao phủ bởi một làn sương huyền bí và đầy nghi hoặc. Ngay cả những người tự xưng là ông đồng, bà cốt thì có đến 9/10 người không hiểu rõ về tín ngưỡng họ đang theo đuổi. Ngay trong hai buổi trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp phần nhiều người ta đến xem bởi tò mò, số khác xem trong tâm thế của người dò xét… GS. Thịnh khẳng định, thời điểm này đưa nghi lễ hát Văn gắn với hầu đồng ra giới thiệu rộng rãi là một bước đúng đắn nhằm vén bức màn bí ẩn. Đây cũng là thời điểm thích hợp để chấn chỉnh lại những lệch lạc, biến dạng vốn lâu nay tồn tại trong tín ngưỡng hầu đồng. Trang bị kiến thức cho những người muốn tìm hiểu.

Tách hát Văn ra khỏi hầu đồng thì sao?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, Chầu văn được đánh giá là một thể loại âm nhạc độc lập trong nền âm nhạc cổ truyền, nó đủ trữ lượng nghệ thuật để trở thành di sản phi vật thể của thế giới. Cũng theo quan điểm của nhà nghiên cứu này, rất cần tách bạch giữa nghi lễ hát Chầu văn và hầu đồng vì: “Đó là 2 đối tượng có liên quan nhưng không giống nhau. Nếu anh đặt đối tượng là hầu đồng thì có nghĩa anh đặt vấn đề tín ngưỡng làm đối tượng trung tâm. Còn anh đặt đối tượng nghi lễ Chầu văn là anh đang đặt âm nhạc của tín ngưỡng đó lên làm di sản…”.

Khi được hỏi, ủng hộ quan điểm nào tách Chầu văn ra khỏi hầu đồng, hay giữ nguyên nghi lễ hầu đồng như là một thành tố trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan ủng hộ… cả hai! Bởi suy cho cùng tách hay nhập thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng lưu ý, không có hát Văn  thì giá đồng “chết”, không có giá đồng thì hát Văn (với tư cách là di sản) vẫn sống khỏe, nhưng các cung văn lại thất nghiệp vì lâu nay vốn sống nhờ lên đồng. Đạo mẫu vốn đẹp, Tứ phủ vốn thuần khiết, vì thế cần gạt bỏ những biến thái để bảo tồn di sản một cách toàn vẹn.

GS. Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm, cứ “tãi” vẫn đề ra để dư luận rộng đường bàn thảo, góp ý. Chỉ có như thế, các nhà quản lý, nghiên cứu mới có được cái nhìn toàn cảnh, gạt bỏ những tiêu cực, trục lợi cùng hiện tượng “đồng đú”, “đồng đua”, từ đó xây dựng lại quy chuẩn cho tín ngưỡng hầu Thánh. Chừng nào làm được điều này, thì chừng đó xây dựng hồ sơ UNESCO cũng chưa muộn.