Gas lại lăm le tăng giá

ANTĐ - Một số doanh nghiệp gas vừa úp mở chuyện sẽ tăng giá mặt hàng này vào cuối tháng 9-2012 sau khi có tin giá gas trên thế giới tăng giá thêm 50 USD/tấn so với hồi đầu tháng.

Giá gas đang khiến người tiêu dùng đứng ngồi không yên

Có khả năng tiếp tục tăng giá

Cuối tuần trước, một số công ty kinh doanh gas cho biết, hiện gas thế giới đang được chào bán với giá 1.000 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với mức giá công bố hồi đầu tháng 9-2012. Nếu mức giá này được giữ đến cuối tháng thì các doanh nghiệp gas trong nước có thể tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ thêm khoảng 15.000 đồng/bình 12kg. Các doanh nghiệp này cũng cho hay, sản phẩm gas của nhà máy Dinh Cố cũng tăng hơn 20 USD/tấn do chi phí vận chuyển, lợi nhuận tài chính, bảo hiểm doanh nghiệp… 

Tại thị trường Hà Nội, gas được bán phổ biến ở mức 410.000-440.000 đồng/bình 12kg. Đại diện hãng gas Ngọn lửa xanh cho biết, hãng này phân phối sản phẩm của Hồng Hà gas, Vina gas và CD Petrol luôn thấp hơn giá thị trường 35.000 đồng/bình, ở mức 410.000 đồng/bình 12kg; trong khi gas Ngọn lửa thần được bán với giá 440.000 đồng/bình 12kg. Và nếu tiếp tục tăng giá vào cuối tháng, giá gas bán lẻ trong nước của các đại lý lớn ở mức từ 430.000-470.000 đồng/bình 12kg. Đây là mức giá cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tiêu dùng của người dân với mặt hàng gas có thể tăng do chuẩn bị bước vào mùa thu đông. 

Không chỉ lo lắng vì giá gas tăng, người tiêu dùng còn nghi ngại khả năng các cửa hàng gas nhỏ lẻ tự ý tăng giá bán, khiến giá gas đến tay người tiêu dùng cao hơn mức các nhà phân phối công bố. Thực tế đã diễn ra tình trạng này mà chính các đại lý lớn, đại lý phân phối không quản nổi. Mặt khác, hoạt động bán gas giả cũng có điều kiện bùng phát. Chị Huệ (Đê La Thành- Hà Nội) cho hay: “Tôi đọc báo thấy giá gas tăng lên hơn 400.000 đồng/bình nhưng cách đây khoảng 1 tuần, tôi gọi bình gas mới lại chỉ có 385.000 đồng/bình 12 kg”. Chị Huệ lo lắng mua phải gas giả, hoặc thiếu cân, hoặc không đảm bảo an toàn.

Minh bạch thị trường gas

Lâu nay, người tiêu dùng gas vẫn bị doanh nghiệp “làm giá”, qua mặt và bắt buộc phải chấp nhận mua hàng với mức giá chưa được kiểm soát. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh giá gas”. Theo ông, việc gas liên tục điều chỉnh giá và chỉ thông báo giá một cách hình thức mà thiếu sự kiểm duyệt sát sao của cơ quan Nhà nước là một lỗ hổng cần có biện pháp bịt lại. 

Theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gas, hiện nay, nguồn gas trong nước khoảng 640.000 tấn, doanh nghiệp muốn sở hữu phải đấu giá. Tuy nhiên, riêng Tổng công ty khí Việt Nam (PV gas- công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đơn vị thực hiện đấu giá) chỉ đấu giá khoảng 150.000 tấn của nhà máy lọc dầu Dung Quất, tương đương khoảng 50% sản lượng và khoảng 200.000 tấn của nhà máy Dinh Cố, bằng 75%, phần còn lại là các công ty nhỏ hơn phân phối và bán lẻ.

Đấu giá dường như chỉ là hình thức nên có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh hoặc liên kết định giá. Bởi vậy, vai trò quản lý của Nhà nước cần được đẩy mạnh bằng việc mở rộng và minh bạch hoạt động đấu thầu với tất cả các doanh nghiệp, cân nhắc giảm thuế nhập khẩu, VAT… từ khoản chênh lệch giữa giá gas trong nước và giá gas thế giới để gas có giá bán hợp lý khi đến tay người tiêu dùng. Trước mắt, nhằm giảm thiệt hại cho người dân, có một việc mà các doanh nghiệp kinh doanh gas có thể làm được ngay lập tức, là niêm yết giá bán trên vỏ bình để hạn chế tăng giá ở khâu bán lẻ đến tay khách hàng do đại lý gas nhỏ lẻ thực hiện.

“Người tiêu dùng nên gọi gas trực tiếp từ những đại lý phân phối lớn có uy tín. Không nên mua gas của những cửa hàng nhỏ và không nên ham mua gas giá rẻ. Có tình trạng một số cửa hàng tự ý giảm giá bán gas, nhưng để bù lại lợi nhuận, họ cân không đủ hoặc tìm cách thuyết phục khách hàng thay van gas, dây gas với “giá cắt cổ”- Trưởng phòng Marketing một doanh nghiệp gas khuyến cáo.